'Cú lừa' về quái vật hồ Loch Ness
Dù hình ảnh Nessie với 3 chiếc bướu uốn lượn đã in sâu vào văn hóa Scotland, nghiên cứu mới cho thấy chỉ 1,5% nhân chứng trong 100 năm qua nói họ thật sự thấy hình ảnh này.

Hình ảnh một khối đen lần đầu tiên ghi lại được vào năm nay. Ảnh: The Loch Ness Centre/SWNS.
Hình ảnh Nessie, tên thường gọi của quái vật hồ Loch Ness, với thân dài và ba chiếc bướu nổi trên mặt nước đã xuất hiện trong văn hóa Scotland suốt nhiều năm. Trong sách thiếu nhi, quà lưu niệm, Nessie thường được vẽ như một con rắn khổng lồ uốn lượn trên mặt hồ.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy hình ảnh này rất hiếm khi xuất hiện trong lời kể của những người nói rằng họ đã nhìn thấy Nessie.
Theo kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Charles Paxton (Đại học St Andrews) và chuyên gia Adrian Shine (Trung tâm Loch Ness), chỉ 1,5% nhân chứng trong 100 năm qua nói họ thấy những chiếc bướu hay vòng uốn lượn, theo BBC.
Nhóm nghiên cứu cũng phân tích các bưu thiếp về Nessie và phát hiện chỉ khoảng 25-32% hình ảnh có bướu nối liền sau đầu và cổ.
Trong nhiều bức vẽ, Nessie được mô tả lơ lửng cao hơn mặt nước. Các nhà khoa học cho rằng điều này “không thể xảy ra trong tự nhiên”, vì nếu bơi như vậy, Nessie sẽ rất khó di chuyển và ít có khả năng trồi lên mặt nước.
Tiến sĩ Paxton chia sẻ: “Nhiều học giả cho rằng quái vật chỉ xuất hiện vì con người mong đợi nó, nhưng cần kiểm chứng giả thuyết đó. Trong nghiên cứu này, nhân chứng thường không kể lại những điều bất khả thi, dù hình ảnh Nessie uốn vòng đã rất phổ biến”.
Những câu chuyện về “quái vật hồ Loch Ness” xuất hiện từ thời Trung cổ. Khi đó, tu sĩ Ireland St Columba được cho là đã gặp sinh vật lạ trên sông Ness - con sông chảy ra hồ Loch Ness. Nhưng vụ chứng kiến hiện đại đầu tiên gây chú ý xảy ra cách đây hơn 90 năm.

Ít bằng chứng cho thấy quái vật hồ Loch Ness có 3 chiếc bướu. Ảnh: Chie Kelly/Peter Jolly Northpix.
Tháng 4/1933, bà Aldie Mackay, quản lý một khách sạn, kể rằng bà thấy một sinh vật to lớn như cá voi “khuấy động” mặt hồ khi đi dọc quanh Loch Ness.
Sau đó, tờ Inverness Courier đăng tin về vụ việc, và biên tập viên Evan Barron khi ấy đã gọi sinh vật này là “quái vật”. Từ đó, cụm từ “quái vật hồ Loch Ness” ra đời.
Kể từ khi Sổ Đăng ký Quan sát Quái vật hồ Loch Ness được lập năm 1996, đã có hơn 1.000 báo cáo được ghi nhận. Riêng năm ngoái có 3 báo cáo, và từ đầu năm 2025 đến nay đã có 2 báo cáo.
Lần đầu trong năm nay, nhân chứng kể họ thấy hai chiếc bướu di chuyển trên mặt hồ. Lần thứ hai, vào tháng 5, báo cáo mô tả một sinh vật dài và mảnh.
Vào năm 1933, nhiều người tin Nessie trông giống plesiosaur - loài khủng long biển cổ đại có cổ dài đã tuyệt chủng khoảng 66 triệu năm trước.
Nhưng các nhà khoa học phản biện rằng plesiosaur có thể là loài máu lạnh, khó sống được ở vùng nước lạnh như Loch Ness. Nếu là loài máu nóng, nó sẽ cần lượng thức ăn rất lớn, vượt xa khả năng cung cấp của hồ.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cu-lua-ve-quai-vat-ho-loch-ness-post1566821.html