Cư M'gar - 20 năm gắn kết nghĩa tình
Trong 20 năm qua, công tác kết nghĩa đã trở thành hoạt động thường xuyên của hầu hết các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk. Thông qua công tác kết nghĩa đã gắn kết nghĩa tình giữa các cơ quan, đơn vị, trường học với nhân dân buôn kết nghĩa. Với tình cảm và trách nhiệm của mình, các cơ quan, đơn vị, trường học đã cử hàng nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đóng góp, hỗ trợ hàng tỷ đồng giúp nhân dân buôn làng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống…
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cư M’gar Y Wem Hwing cho biết: Toàn huyện có 17 xã, thị trấn, 171 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó có 71 buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, dân số của huyện là 202.778 người, gồm 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số 49%.
Trước năm 2004, các thế lực thù địch bên ngoài, bọn phản động Fulro lưu vong ở Mỹ phát triển cơ sở ngầm trong nước, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng, tổ chức biểu tình, bạo loạn, vượt biên trái phép. Một số bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk nói chung, huyện Cư M’gar nói riêng thiếu hiểu biết pháp luật, nhẹ dạ, cả tin và một số bị cưỡng ép tham gia biểu tình, bạo loạn vào tháng 2/2001 và tháng 4/2004.
Sau khi bị cảnh cáo, răn đe đưa ra kiểm điểm trước nhân dân nhưng số đối tượng này vẫn ngấm ngầm, bí mật khống chế, đe dọa đồng bào, lôi kéo vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia; nhen nhóm hình thành toán vũ trang để thực hiện âm mưu chống phá chính quyền lâu dài…
Trước tình hình trên, thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 3/3/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở thôn, buôn, tổ dân phố” và chỉ đạo phân công các cơ quan, đơn vị kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay trên địa bàn huyện có 198 cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp thực hiện công tác kết nghĩa với 73 thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã lồng ghép công tác kết nghĩa với thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 25/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc giai đoạn 2022-2026”.“Mặc dù chịu sự tác động từ nền kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn nhưng với tình cảm và trách nhiệm chung, các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp đã đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn kết nghĩa bằng những hoạt động thiết thực. Tổ chức nhiều hoạt động hướng về cơ sở giúp đỡ, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ bà con về giống cây trồng, vật nuôi, các nhu yếu phẩm cần thiết nhân dịp lễ, Tết; phát huy tinh thần trách nhiệm, xây dựng mối đoàn kết gắn bó, tương thân, tương ái giữa cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với nhân dân tại các buôn kết nghĩa”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cư M’gar Y Wem Hwing chia sẻ.
Trong 20 năm qua, các cơ quan, đơn vị, trường học được phân công kết nghĩa đã cử hơn 35.565 lượt cán bộ, công chức, viên chức về buôn kết nghĩa phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nắm tình hình, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích của người dân; tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu, sốt xuất huyết, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm... Đặc biệt là tuyên truyền phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phòng chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch... góp phần vào việc giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Đồng thời đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý, giải quyết những vấn đề phát sinh, phức tạp trong nội bộ thôn, buôn, xem xét và hỗ trợ những nguyện vọng chính đáng của nhân dân buôn kết nghĩa.
Trong những thời điểm xảy ra tình hình phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa đã phối hợp với hệ thống chính trị cơ sở thôn, buôn khảo sát nắm tình hình về an ninh chính trị, kinh tế, xã hội tại buôn kết nghĩa.
Đồng thời, thường xuyên phân công cán bộ xuống buôn để cùng tham gia công tác vận động quần chúng, nắm tình hình ở buôn, tập trung vào việc vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản pháp luật có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân như: Luật Đất đai, Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, những quy định về đăng ký quản lý hộ tịch, hộ khẩu... Tổ chức tuyên truyền Nghị quyết của Đảng các cấp về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình”,lợi dụng vấn đề tự do tín ngưỡng tôn giáo để chống phá chính quyền nhân dân của các thế lực thù địch.
Nhờ đó, giữ vững ổn định tình hình chính trị, an ninh nông thôn và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa còn tập trung giúp đỡ nhân dân các thôn, buôn kết nghĩa phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái và giúp nhau phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Để có nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ buôn kết nghĩa, các cơ quan, đơn vị thường xuyên vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tự nguyện tham gia đóng góp, hỗ trợ đồng bào các buôn.
Theo thống kê của Ban Dân vận Huyện ủy Cư M’gar, trong 20 năm qua, các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp đã trao tặng hơn 97.300 suất quà cho người dân tại các buôn kết nghĩa trong các dịp lễ, Tết với kinh phí gần 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, đơn vị còn hỗ trợ các mô hình nuôi gia súc luân chuyển, nhận “địa chỉ nhân đạo” để giúp đỡ, hỗ trợ nhu yếu phẩm hàng tháng cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị đã đa dạng hình thức giúp đỡ, hỗ trợ bà con như: hỗ trợ sửa chữa cổng chào, nhà sinh hoạt cộng đồng, xây tường rào, công trình thắp sáng đường quê, lắp bóng đèn năng lượng mặt trời...
Đến nay, có 170/171 thôn, buôn, tổ dân phố có hội trường, nhà sinh hoạt cộng đồng; 159 thôn, buôn, tổ dân phố đã xây dựng cổng chào; 5/17 xã, thị trấn có nhà dệt thổ cẩm; 13/17 xã, thị trấn có bưu điện văn hóa, 25 tủ sách tại các thôn, buôn, tổ dân phố. Có 15/15 xã đăng ký xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, hai thị trấn đăng ký xây dựng thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Đến nay có 13/15 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tính đến năm 2023, có 41.580/42.087 hộ gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa và có 38.767hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm 92%; có 171 thôn, buôn, tổ dân phố đăng ký xây dựng thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa và có 116/171 thôn, buôn, tổ dân phố được công nhận, chiếm 67,84%.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2023, toàn huyện còn 1.693 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,83% và 3.054 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 6,92%. Hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số có 1.191 hộ, chiếm tỷ lệ 70,35%; hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số có 1.983 hộ, chiếm tỷ lệ 64,93%.
Cùng với việc tham gia hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa, cải thiện đời sống cho nhân dân buôn kết nghĩa, các đơn vị còn phối hợp với Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội địa phương tham gia, góp ý xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị của buôn vững mạnh; triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở; quan tâm đến công tác phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số...
Nhờ đó, đến nay Đảng bộ huyện có 56 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, trong đó có 27 đảng bộ và 29 chi bộ cơ sở; có 346 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở, với 5.710 đảng viên, trong đó có 1.745 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 30,5%. Hệ thống chính trị cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được củng cố, chất lượng tổ chức đảng ở thôn, buôn được nâng cao; các già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được phát huy...
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cư M’gar Y Wem Hwing khẳng định: Sau 20 gắn bó nghĩa tình giữa các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, với nhiều cách làm hay, sáng tạo không chỉ giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống về mọi mặt, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, mà còn góp phần chuyển hóa các buôn trước đây là “điểm nóng” về an ninh chính trị đến nay đã ổn định, nhân dân ngày càng tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, luôn chung sức, đồng lòng cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng buôn làng giàu đẹp, văn minh.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cu-mgar-20-nam-gan-ket-nghia-tinh-post844247.html