Cứ mãi sai rồi sửa?

Khỏi phải nói là hướng dẫn nói trên đã gây ra sự phản ứng thế nào từ cha mẹ học sinh và các nhà trường, cơ sở giáo dục, thầy, cô giáo. Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao học sinh lớp 1, 2 học online nhưng kiểm tra học kỳ trực tiếp?

Cũng không cần kể ra những khó khăn, thậm chí là bất hợp lý được nêu ra nếu thực hiện phương án này, mà nỗi lo đầu tiên là nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, nên chăng, trong bối cảnh dịch bệnh ở một số TP đang căng thẳng hiện nay việc kiểm tra cũng nên linh hoạt hơn, nhất là với học sinh khối lớp 1, lớp 2 yêu cầu về điểm số không quá quan trọng.

Rất may là đúng như nhiều người dự đoán, chiều ngày 15/12, Bộ GD&ĐT đã kịp thời có ý kiến chính thức về vấn đề này. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, nếu vì điều kiện chưa thể đến trường học trực tiếp, như thực tế đang diễn ra ở nhiều địa phương thời gian qua, học sinh lớp 1, lớp 2 có thể được kiểm tra, đánh giá trực tuyến.

Đối với những khu vực đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch, học sinh có thể đến trường học tập, thì các trường khẩn trương ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh và thực hiện kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ trực tiếp.

"Quan điểm của Bộ GD&ĐT là tùy điều kiện thực tế ở các địa phương, các sở, phòng giáo dục chỉ đạo các trường hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tiếp hay trực tuyến.

Đồng thời, các địa phương có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian thực hiện kiểm tra phù hợp với kế hoạch năm học này, kế hoạch năm học mới và tình hình dịch bệnh tại địa bàn" - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Tin rằng, từ quan điểm trên, với trách nhiệm và quyền lợi, sự an toàn của học sinh, ngành giáo dục các cấp sẽ tìm ra hình thức thực hiện việc kiểm tra học kỳ 1 của năm học này với các cháu khối lớp 1, lớp 2 an toàn, phù hợp.

Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại, đây không phải lần đầu tiên Bộ GD&ĐT có những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, trong đó có những quy định không phù hợp, thậm chí là bất hợp lý mà sau đó phải chỉnh sửa, thu hồi. Không khó để kể ra những văn bản như vậy được ban hành. Từ vụ dự thảo quy định "sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học", cho đến việc bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm ưu tiên khi thi ĐH hay tiền hậu bất nhất khi quy định về chuẩn ngoại ngữ, tin học cho mỗi cấp học...

Công bằng mà nói, mỗi năm ngành giáo dục đều ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, quy định. Với một khối lượng công việc lớn như vậy, việc có những sai sót là không thể tránh khỏi. Và tình trạng ban hành các văn bản như vậy không chỉ là "đặc sản" của Bộ GD&ĐT mà còn có thể nhận thấy ở nhiều bộ, ngành khác. Song cần phải thấy, GD&ĐT là một lĩnh vực liên quan đến gần như mọi gia đình, đối tượng xã hội, có tác động đến hàng chục triệu người, do vậy không thể để lọt những văn bản khiến dư luận không đồng tình, thậm chí có những phản ánh gay gắt như kể trên.

Cũng cần nhắc lại là sau mỗi lần như vậy, bộ đều có điều chỉnh, thu hồi. Tuy nhiên để tránh những sai sót tương tự lặp lại, một việc khác cần làm là chỉ ra người có trách nhiệm về những sai sót đó để nhẹ thì nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm, nặng thì có những hình thức xử lý thích đáng. Không biết việc này có được thực hiện trong nội bộ ngành và từng cơ quan đơn vị? Nếu không thì cần thực hiện cho nghiêm túc và nếu có thì cũng nên công bố để dư luận rộng rãi được biết. Chỉ có như vậy mới tránh được lặp lại câu chuyện sai rồi sửa khiến dư luận phải đặt dấu hỏi về năng lực và trách nhiệm của những người liên quan!

Thêm nữa, không lẽ cứ mãi sai rồi sửa?

Lê Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cu-mai-sai-roi-sua.html