Cụ ông 89 tuổi cố ly hôn vợ suốt 27 năm nhưng không thành
Một cụ ông Ấn Độ đã ly thân với vợ gần 40 năm và cố gắng ly hôn với bà ấy trong 27 năm nhưng mới đây lại bị Tòa án Tối cao bác bỏ yêu cầu ly hôn hồi đầu tháng này.
Một sĩ quan Không quân đã nghỉ hưu 89 tuổi đã cố ly hôn vợ 82 tuổi, một giáo viên về hưu, trong gần 3 thập kỷ. Thế nhưng, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã từ chối cho cặp đôi ly hôn, mặc dù đồng ý rằng cuộc hôn nhân của họ là “không thể cứu vãn”.
"Dù cuộc hôn nhân không thể cứu vãn, hôn nhân vẫn được xem là thứ gắn kết tình cảm vô giá, đạo đức và tinh thần giữa người chồng và người vợ trong xã hội Ấn Độ", Tòa án Tối cao Ấn Độ ra phán quyết bác đơn ly hôn của ông Nirmal Singh Panesar, 89 tuổi.
Nirmal Singh Panesar, 89 tuổi và vợ là Paramjit Kaur Panesar, hiện 82 tuổi, kết hôn năm 1963. Cuộc hôn nhân của họ viên mãn và họ có ba người con – hai gái và một trai.
Cụ ông Nirmal khai trong hồ sơ gửi tòa rằng từ năm 1984, cuộc hôn nhân của ông đã "tồi tệ đến mức không thế hàn gắn". Trong năm này, ông được quân đội điều chuyển đến thành phố Chennai, nhưng vợ ông là bà Paramjit đã từ chối chuyển đi cùng chồng.
Hơn một thập kỷ sau, vào năm 1996, ông Nirmal lần đầu đệ đơn ly hôn với lý do bị đối xử tệ bạc, bị ruồng rẫy. Tòa án địa phương ban đầu chấp thuận, nhưng hủy bỏ vào cuối năm đó vì đơn kháng cáo của bà Paramjit. Sau hai thập kỷ, vụ án ly hôn của Nirmal được đưa lên cấp Tòa án Tối cao.
Đầu tháng này, vụ án ly hôn của cụ ông 89 tuổi được xét xử nhưng kết quả lại không như ông mong đợi. Thẩm phán Aniruddha Bose và Thẩm phán Bela M Trivedi đã ra phán quyết rằng mặc dù cuộc hôn nhân của cặp đôi “không thể cứu vãn” nhưng điều này không đủ để dẫn đến việc ly hôn .
Phán quyết của Tòa án Tối cao cũng có tính đến vị trí của người vợ. Rõ ràng, người phụ nữ 82 tuổi khẳng định bà vẫn sẵn sàng chăm sóc chồng khi ông về già dù họ đã xa cách hàng chục năm. Bà cũng cầu xin Tòa án không cho ly hôn vì không muốn chết vì sự “miệt thị” với người đã ly hôn.
Ly hôn thường bị coi là điều tối kỵ ở Ấn Độ. Những người muốn ly hôn thường chỉ được tòa chấp thuận nếu có bằng chứng bị ngược đãi bạo lực hoặc yêu cầu chu cấp quá mức.