Cú phản chủ của rắn hổ mang khiến vợ trẻ mất chồng, 2 con mất cha

Đối diện với hàng nghìn con rắn hổ mang mỗi ngày nên người dân xã Vĩnh Sơn không lạ gì việc bị rắn độc cắn. Tuy nhiên, với chị Hà Thị Hương thì đó là nỗi đau cả đời không thể quên.

Nghề nuôi rắn hổ mang đã được người dân ở Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) đã được truyền đời qua nhiều thế hệ. Chấp nhận gắn bó với nghề nguy hiểm nên việc bị rắn độc cắn bị thương hay thậm chí tử vong là chuyện không mấy xa lạ với họ.

Tuy nhiên, với chị Hà Thị Hương (Thôn 5, xã Vĩnh Sơn) và 2 đứa con của chị thì đó là nỗi đau ám ảnh và dai dẳng gần 20 năm qua.

Đó là năm 2002 khi chị Hương mới 28 tuổi. Chồng chị, một người đàn ông khỏe mạnh hết lòng chăm lo cho gia đình đã chọn nghề nuôi rắn truyền thống làm nghề sinh nhai.

Thời điểm đó đứa con đầu của anh chị mới tròn 8 tuổi trong khi cháu thứ 2 vừa được 9 tháng. Kinh tế gia đình còn khó khăn nên anh chị đã phải vay ngân hàng lấy vốn làm ăn. Có anh lo lắng mọi việc chị yên tâm vì anh là người cẩn thận lại có kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc rắn. Ấy vậy mà tai nạn bất ngờ đã ập xuống gia đình chị.

Trong một lần cho rắn ăn anh đã vô tình bị con rắn độc phản chủ. Mặc dù đã được cấp cứu kịp thời nhưng do vết thương quá nặng nên anh đã không qua khỏi.

Sự ra đi đột ngột của chồng khiến chị Hương như suy sụp khi trước mắt là cuộc sống của 2 đứa con còn thơ dại chưa cảm nhận hết nỗi đau mất cha.

Sau nỗi đau mất chồng chị Hà Thị Hương tiếp tục nghề nuôi rắn của gia đình

Sau nỗi đau mất chồng chị Hà Thị Hương tiếp tục nghề nuôi rắn của gia đình

“Anh mất để lại cho tôi khoản nợ ngân hàng. Tôi như suy sụp hoàn toàn khi không biết phải xoay xở ra sao. Thời điểm đó tôi phải đi làm đủ nghề, ai mướn gì làm nấy chỉ mong có tiền trả nợ và nuôi con ăn học”, chị Hương xúc động nhớ lại.

Có những lúc vì quá áp lực, chị Hương đã nghĩ đến việc buông bỏ tất cả để đi theo chồng. Nhưng nhìn 2 đứa con thơ thiếu thốn tình cảm của cha, chị lại không đành lòng.

Chị Hương tâm sự: “Nhiều lúc thấy đứa lớn khóc, tôi hỏi con vì sao, nó nói nhớ bố, thế là cả mấy mẹ con lại ôm nhau òa khóc. Thương con và được người thân động viên, tôi phải cố gắng để bù đắp cho con có đầy đủ tình thương như bao đứa trẻ khác”.

Nọc độc của rắn hổ mang cực mạnh, khi bị rắn cắn nếu không sơ cứu kịp thời rất dễ tử vong

Nọc độc của rắn hổ mang cực mạnh, khi bị rắn cắn nếu không sơ cứu kịp thời rất dễ tử vong

Thế rồi thời gian trôi, nhìn 2 đứa con khôn lớn, khỏe mạnh chị Hương như được an ủi phần nào và càng quyết tâm phải làm việc để nuôi con thành người.

Sinh ra và lớn lên ở đất rắn, nhìn đi nhìn lại chỉ có nghề này là triển vọng nhất. Vậy là chị Hương lại gạt bỏ nỗi ám ảnh về cái chết của chồng để tiếp tục làm công việc mà anh để lại.

Chị Hương cho biết, những ngày đầu khi mới quay trở lại với nghề chị luôn bị ám ảnh với hình ảnh chồng bị rắn cắn khiến chị sợ hãi. Thế nhưng nhìn thấy các con thiếu thốn, không được bằng bạn bằng bè chị lại quyết tâm đứng lên.

Vậy rồi những ngày đó cũng trôi qua. Thấm thoắt đến nay chị Hương đã có gần 20 năm làm nghề nuôi rắn hổ mang.

Chị Hà Thị Hương chia sẻ, nuôi rắn hổ mang không hề đơn giản, chỉ cần một chút sơ sẩy cũng có thể mất mạng. Chính vì thể, chị luôn tự nhắc bản thân phải cẩn thận mỗi khi vào hang rắn.

Nuôi rắn hổ mang vẫn là nghề mang lại nguồn thu nhập chính cho các hộ dân xã Vĩnh Sơn

Nuôi rắn hổ mang vẫn là nghề mang lại nguồn thu nhập chính cho các hộ dân xã Vĩnh Sơn

Để an toàn khi bắt rắn người dân Vĩnh Sơn thường trang bị găng tay dày. Tuy nhiên, nhiều người nuôi rắn ở Vĩnh Sơn lại không sử dụng đồ bảo hộ này vì theo chị Hương: "Dùng găng tay vừa dày vừa vướng, cầm con rắn không thật tay, rất dễ bắt trượt. Khi ấy rắn lao vào cắn còn nguy hiểm hơn nên tôi vẫn thường dùng tay không bắt rắn cho dễ”.

Chính vì những đặc thù đó nên những người nuôi rắn tại Vĩnh Sơn vẫn hàng ngày đối mặt với nguy hiểm. Tuy nhiên, nghề nuôi rắn độc vẫn mang lại cho họ nguồn thu nhập ổn định nên hầu hết các hộ chăn nuôi rắn tại đây không có ý định bỏ nghề.

Với chị Hương, mặc dù câu chuyện đau buồn của chồng đã trôi qua nhiều năm nhưng đó vẫn là nỗi đau âm ỉ mà chị luôn nhớ mãi và cũng là câu chuyện để chị luôn răn mình phải cẩn trọng khi chăm sóc rắn hàng ngày.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/cu-phan-chu-cua-ran-ho-mang-khien-vo-tre-mat-chong-2-con-mat-cha-d167689.html