Cụ thể hóa quy định quảng cáo trên mạng và quảng cáo xuyên biên giới

Tiếp tục kỳ họp thứ 9, sáng 10/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Quy định quảng cáo trên mạng và quảng cáo xuyên biên giới đã cụ thể hơn

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trên tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội về đổi mới công tác lập pháp, chỉnh lý dự thảo Luật.

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đến nay, về cơ bản, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã bảo đảm đúng mục tiêu sửa đổi Luật, không có nội dung lớn còn ý kiến khác nhau giữa Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan liên quan.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện gồm 3 điều, đã sửa đổi, bổ sung 23 điều, bãi bỏ 1 điều và 7 điểm, khoản của Luật Quảng cáo năm 2012, tăng 5 điều sửa đổi, bổ sung so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về nghĩa vụ của người có ảnh hưởng khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo, ngoài nghĩa vụ chung được quy định tại khoản 2, có một số nghĩa vụ đặc thù; bỏ quy định về nghĩa vụ phải trực tiếp sử dụng sản phẩm khi quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội do tính khả thi chưa cao, khó kiểm soát và thực hiện.

Về quy định quảng cáo trên mạng và quảng cáo xuyên biên giới cần cụ thể hơn, quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể của từng chủ thể tham gia thị trường. Có ý kiến đề nghị quy định rõ thẩm quyền xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (Điều 15a); về nghĩa vụ của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng (khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 23); về trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng khi thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian để cung cấp dịch vụ (điểm g khoản 5 Điều 23).

Đa số đại biểu cho rằng, thời gian qua, nhiều người đã lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của các phương tiện quảng cáo (đặc biệt là mạng xã hội) để truyền tải các nội dung quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng và gây bức xúc cho người dân. Do vậy, các cơ quan, đơn vị mong muốn dự thảo luật lần này cần quy định rõ trách nhiệm cũng như tăng chế tài đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo; Cần quy định rõ hơn về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, đặc biệt là người có ảnh hưởng: diễn viên, ca sĩ, hoa hậu, người mẫu…

Đối với quảng cáo xuyên biên giới, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng xác lập đây là loại hình quảng cáo cần quản lý, các chủ thể liên quan phải thực hiện nghĩa vụ thuế và tuân thủ pháp luật Việt Nam, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới phải ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm, trường hợp không thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn và thực hiện biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.

Tăng mức xử phạt để đảm bảo răn đe với quảng cáo sai sự thật

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề cập đến tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, các mặt hàng tiêu dùng xã hội từ xa xỉ đến thiết yếu, thậm chí là những thực phẩm truyền thống trong các bữa ăn hàng ngày cũng được quảng cáo dưới nhiều hình thức khác nhau.

Về quảng cáo sản phẩm hàng hóa dịch vụ đặc biệt như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm, theo đại biểu, phải đặt trong mối liên hệ bảo vệ sức khỏe cộng đồng với an toàn xã hội, tránh lợi dụng kẽ hở của pháp luật để quảng cáo sai, nhất là trên các nền tảng truyền thông mới theo hướng căn cứ theo hợp đồng quảng cáo để tính tỷ lệ xử phạt vi phạm hành chính.

Từ đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị, cùng với quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người nổi tiếng, cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động quảng cáo, để đảm bảo tính răn đe.

Cho ý kiến tại hội trường, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) nêu lên thực trạng: “Qua các vụ sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả vừa bị phát hiện cho thấy, các công ty này đều có giấy tờ kiểm định, kiểm nghiệm, công bố sản phẩm. Nhưng thực tế các sản phẩm được sản xuất qua điều tra, kiểm định của cơ quan công an lại được xác định là hàng giả”.

Đại biểu đặt ra vấn đề về tính khả thi của quy định yêu cầu người quảng cáo, nhất là các ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên có trách nhiệm kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa. “Việc thông báo trước đến người tiếp nhận quảng cáo về việc mình thực hiện hoạt động quảng cáo sẽ như thế nào? Phải chăng là viết lên Facebook, đăng lên TikTok, YouTube nói tôi chuẩn bị sẽ quảng cáo cho nhãn hàng này, sản phẩm kia?” - Đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung các nội dung này để đảm bảo khả thi hơn.

Về cơ chế bồi thường với hoạt động quảng cáo sai của người chuyển tải quảng cáo, nhất là những người nổi tiếng, đại biểu cho rằng cần quy định rõ hơn, bổ sung thêm nghĩa vụ của họ, phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường vì hành động quảng cáo sai của mình. Người nổi tiếng cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật khi tham gia quảng cáo để tránh các hậu quả pháp lý và ảnh hưởng đến uy tín cá nhân. Nếu người nổi tiếng đã thực hiện đầy đủ các biện pháp thẩm định hợp lý, dựa trên giấy tờ, hồ sơ pháp lý do doanh nghiệp cung cấp, thì thông thường họ không bị xem là cố tình quảng cáo gian dối, mà chủ doanh nghiệp, nhà sản xuất sẽ chịu trách nhiệm chính.

Xuân Tùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/cu-the-hoa-quy-dinh-quang-cao-tren-mang-va-quang-cao-xuyen-bien-gioi-20250510113057002.htm