Đề xuất áp dụng biện pháp mạnh nếu người nổi tiếng cố tình quảng cáo sai sự thật
Sáng 10/5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) trả lời phỏng vấn.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu cho rằng, cần có chế tài xử lý nghiêm hành vi quảng cáo sai sự thật, nhất là đối với những người nổi tiếng, có ảnh hưởng đối với công chúng.
Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương), ngành công nghiệp quảng cáo tại các quốc gia khác trên thế giới phát triển rất mạnh và đóng góp rất lớn cho GDP của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ ngành công nghiêp quảng cáo và hành vi quảng cáo. Hành vi quảng cáo sai sự thật là hành vi vi phạm pháp luật. Không phân biệt người nổi tiếng hay không nổi tiếng, người thực hiện hành vi quảng cáo sai sự thật là vi phạm pháp luật. Đặc biệt, đối với người nổi tiếng, nếu quảng cáo sai sự thật, ngoài việc bị pháp luật xử lý còn phải xem xét đánh giá về đạo đức.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, nếu người nổi tiếng dựa vào uy tín cá nhân để định hướng sai lệch các vấn đề, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, thậm chí ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe của người dân thì không chấp nhận được và cần phải xử lý nghiêm minh.
Đại biểu cho rằng, sau khi Luật Quảng cáo được thông qua, những người nổi tiếng, có ảnh hưởng đối với công chúng cần phải chú ý hơn. Trước đây, quan niệm xã hội còn dễ dãi và chưa thực sự chú trọng đến điều này. Nhưng ngày nay, chúng ta đã có chuẩn mực, đã xây dựng luật và coi đó là hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức thì người nổi tiếng cần cẩn trọng hơn. Bởi vì phải mất rất nhiều công sức mới tạo dựng được hình ảnh trong công chúng nhưng chỉ vì một quảng cáo sai sự thật mà đánh mất hình ảnh của mình thì rất lãng phí và tuyệt đối không nên.
Đồng quan điểm với vấn đề trên, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cho rằng, cần phải xác định rõ, liệu người nổi tiếng đó có biết mình đang thực hiện hành vi quảng cáo sai sự thật hay không hoặc có thể người này không biết nhưng cách truyền tải nội dung lại vô tình làm sai sự thật. Luật Quảng cáo hiện hành có những quy định rõ ràng về việc người tham gia quảng cáo không được phản ánh sai sự thật và sẽ có hình thức xử lý nghiêm nếu vi phạm. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, một số người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội tham gia quảng cáo sai sự thật về một số sản phẩm sẽ phải chịu trách nhiệm với vi phạm của mình. Do vậy, cần phải có biện pháp nghiêm minh hơn để xử lý các hành vi quảng cáo sai sự thật này.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) trả lời phỏng vấn.
Theo đại biểu Trần Khánh Thu, để giải quyết hiệu quả vấn đề trên, trước hết, đối với bản thân người tham gia quảng cáo cần tìm hiểu về các sản phẩm mình dự kiến tham gia quảng cáo. Việc tìm hiểu cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do họ không đủ khả năng để đánh giá, phân biệt chất lượng thật, giả của sản phẩm mà họ sẽ tham gia quảng cáo. Nhưng ít nhất, người tham gia quảng cáo cần phải thực hiện các bước xác định sản phẩm thông qua các giấy tờ, tài liệu, chứng nhận... liên quan đến sản phẩm hay các tài liệu liên quan đến hợp đồng quảng cáo mà mình sẽ thực hiện với các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, người tham gia quảng cáo phải ý thức rõ hành vi của mình khi tham gia quảng cáo. Nếu cố tình làm sai, cơ quan chức năng cần áp dụng biện pháp mạnh hơn để xử lý.
Tuy nhiên, trong trường hợp người tham gia quảng cáo thực sự không biết về chất lượng sản phẩm và có cơ sở chứng minh điều này thì lúc đó cần phải xem xét trách nhiệm của doanh nghiệp về các hành vi sai trái. Cũng theo đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, tại các quốc gia phát triển, hành vi quảng cáo sai sự thật được phân định rất rõ ràng và áp dụng mức phạt rất nặng. Điều này sẽ giúp hạn chế rất nhiều việc quảng cáo sai sự thật, đặc biệt đối với những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng lớn trong xã hội.