Cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân

Tại Hội nghị tổng kết công tác chăm lo Tết Quý Mão và sơ kết tình hình kinh tế - xã hội tháng 1, đề ra nhiệm vụ tháng 2.2023 diễn ra vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, dù năm 2022, thành phố đạt nhiều thành quả tốt, nhưng cũng có nhiều mặt hạn chế cần khắc phục, trong đó có việc chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể, dù đã thực hiện nhiều giải pháp với mong muốn đạt tỷ lệ 76%, phấn đấu trên 80% nhưng đến ngày 31.1, tỷ lệ giải ngân chưa tới 70%. Bởi vậy, tôi và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc phụ trách đầu tư công, các trưởng ban lớn, người đứng đầu các chủ đầu tư giải ngân 0 đồng sẽ không được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2022. Với vai trò nêu gương của người đứng đầu, tôi xin tự hạ một bậc thi đua vì cũng có phần trách nhiệm trong giải ngân đầu tư công không đạt chỉ tiêu đề ra - ông Mãi nhấn mạnh.

Cùng với hạ một bậc thi đua, ông Mãi cho biết thêm rằng, trong năm 2023, thành phố sẽ tiếp tục áp dụng tỷ lệ giải ngân đầu tư công là một chỉ tiêu để xếp loại thi đua. Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương cần tập trung triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, đối với các dự án đã phân bổ vốn cần triển khai ngay và có báo cáo vào cuối tháng 2. Nếu không hoàn thành, thành phố sẽ phân bổ vốn cho dự án hoặc đơn vị khác. Với các dự án còn trong danh mục dự phòng, cần chuẩn bị hồ sơ để tháng 3 trình HĐND thành phố trong kỳ họp chuyên đề.

Có thể thấy, việc Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh tự nhận hạ một bậc thi đua là "tín hiệu" rõ nét về cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư công vì thực tế trách nhiệm của người đứng đầu tuy được đề cập đến từ lâu nhưng vẫn chưa rõ ràng, chặt chẽ. Điều này thể hiện qua nhiều dự án chậm giải phóng mặt bằng do người đứng đầu chưa quyết liệt; khâu chuẩn bị đầu tư không kỹ dẫn đến vướng mắc hoặc không giải ngân được vốn theo kế hoạch. Hay ở góc độ rộng hơn là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng của năm 2022 chỉ đạt 67,27% kế hoạch. So với kế hoạch Thủ tướng giao, tỷ lệ giải ngân đạt 75,11% nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021... - nhưng hầu như không có cá nhân hay người đứng đầu nào phải chịu trách nhiệm.

Cần nhắc lại rằng, khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân vốn đầu tư công chậm. Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp quyết liệt, phân rõ trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư cho các bộ, ngành, địa phương. Những giải pháp này là cần thiết nhằm loại bỏ tư duy, cách nghĩ, cách làm kiểu "cha chung không ai khóc"; là trách nhiệm của tập thể...

Vậy nhưng để việc cá thể hóa trách nhiệm bảo đảm thực chất, trước tiên phải lấy kết quả giải ngân làm tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, phải có tiêu chí, tiêu chuẩn để làm căn cứ đánh giá đồng thời gắn với công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra tại những nơi có biểu hiện đùn đẩy, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành dẫn đến kết quả giải ngân yếu kém.

Đến thời điểm này, giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn nhiều "điểm nghẽn" cần khơi thông, trong đó có "điểm nghẽn" quan trọng là trách nhiệm của cá nhân, của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Cho nên đã đến lúc phải cụ thể, rõ ràng như ở TP. Hồ Chí Minh chứ không thể chung chung mãi.

Ninh Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/cu-the-hoa-trach-nhiem-ca-nhan-i315290/