Cụ thể trách nhiệm cá nhân, tổ chức chịu giám sát

Theo Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk, Đảng đoàn HĐND tỉnh cần tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HĐND, quy định cụ thể trách nhiệm, tiêu chí đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu; trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát là nhiệm vụ chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức; kịp thời uốn nắn, phê bình những trường hợp thiếu trách nhiệm; kiến nghị cấp ủy, cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Bảođảm số liệu để đánh giá, kết luận

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, theo Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk, trước hết,cần chọn những vấn đề “nóng”, nổi cộm, bức xúc liên quan đến quyền lợi chính đáng của tổ chức, công dân, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương, của vùng, liên kết vùng được dư luận xã hội, nhân dân và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. Thành phần đoàn giám sát là những đại biểu có chuyên môn, kinh nghiệm, am hiểu sâu về lĩnh vực giám sát, có tâm huyết, dám nói thẳng, tránh những đại biểu là người đứng đầu, liên quan trách nhiệm đối với nội dung giám sát. Cùng với đó, mời đại diện Thường trực, các Ban HĐND cấp huyện nơi đoàn giám sát làm việc trực tiếp để có thêm nhiều thông tin từ cơ sở.

Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk giám sát công tác trồng rừng tập trung, phát triển rừng tại huyện Ea Súp. Ảnh: Kim Ngân

Cần nghiên cứu sâu cơ chế chính sách, quy định của pháp luật liên quan đến nội dung giám sát trước khi xây dựng đề cương giám sát, bảo đảm trọng tâm và đầy đủ thông tin phục vụ nội dung giám sát; nhất là bảo đảm số liệu để đánh giá, so sánh, kết luận vấn đề; làm rõ thông tin phản ánh trên báo chí, kiến nghị của cử tri, kết quả thanh tra, kiểm toán...

Kế hoạch, đề cương gửi đến đối tượng chịu sự giám sát, thành viên đoàn giám sát đúng, sớm hơn quy định của pháp luật càng tốt vì thực tế, nhiều số liệu báo cáo giữa các cơ quan, tổ chức cho đoàn giám sát không thống nhất, thậm chí có trường hợp báo cáo thiếu trung thực. Do vậy, cần có thời gian để đối tượng chịu sự giám sát chuẩn bị báo cáo, trên cơ sở đó tổ giúp việc đoàn giám sát tập hợp số liệu, đối chiếu quy định, tham mưu cho Trưởng đoàn giám sát yêu cầu báo cáo bổ sung, làm rõ vấn đề và cung cấp sớm cho thành viên đoàn giám sát nghiên cứu trước khi tổ chức làm việc trực tiếp với đối tượng chịu sự giám sát.

Nghiên cứu báo cáo, khảo sát thực tế, đối chiếu quy định

Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: trước khi tổ chức giám sát, cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên (nhất là các đại biểu chuyên trách) nghiên cứu sâu những nội dung cần trao đổi, làm rõ tại các buổi làm việc trực tiếp với đối tượng chịu sự giám sát. Tại buổi làm việc, đoàn giám sát tập trung yêu cầu đối tượng chịu sự giám sát giải trình, làm rõ những vấn đề thành viên đoàn trao đổi qua khảo sát, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu mà không trình bày báo cáo cụ thể. Đồng thời, tạo không khí cởi mở để đối tượng chịu sự giám sát nắm bắt, trả lời đầy đủ, thẳng thắn các vấn đề thành viên đoàn giám sát quan tâm; trao đổi, chia sẻ những vướng mắc, bất cập do khách quan, chủ quan, đề xuất giải pháp cần thực hiện sau giám sát.

Kết luận của Trưởng đoàn giám sát tại buổi làm việc cụ thể, đúng đối tượng, rõ nội dung, tạo thuận lợi cho việc tiếp thu, hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát. Quá trình giám sát, quan tâm khảo sát thực tế để đánh giá toàn diện những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; kết hợp chặt giữa việc nghe, nghiên cứu báo cáo, khảo sát thực tế, đối chiếu với quy định của pháp luật, nhận định, đánh giá và kết luận vần đề.

Báo cáo kết quả giám sát bảo đảm tính khách quan, chính xác, trung thực, sát thực tế và quan trọng nhất là phải chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện; nêu ra được những kiến nghị, đề xuất thật cụ thể, phù hợp, khả thi, để các cơ quan nhận kiến nghị tổ chức thực hiện được. Tránh kết luận, kiến nghị chung chung, không phù hợp, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tăng cường lãnh đạo hoạt động của HĐND

Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: năng lực, trách nhiệm của đại biểu ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả giám sát. Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát nhận thức đúng, đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ giám sát của HĐND; phối hợp có trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc kế hoạch, nội dung yêu cầu giám sát; trả lời đầy đủ, sát đúng với nội dung chất vấn, kiến nghị thì kết quả giám sát phản ánh toàn diện, trung thực, khách quan, đúng thực tế; kết luận, kiến nghị thông qua giám sát rõ ràng, cụ thể, dễ triển khai thực hiện và ngược lại.

Vì vậy, Đảng đoàn HĐND tỉnh cần tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HĐND (thường xuyên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp), quy định cụ thể trách nhiệm, tiêu chí đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu; trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát trong thực hiện giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn là nhiệm vụ chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức; kịp thời uốn nắn, phê bình những trường hợp thiếu trách nhiệm; kiến nghị cấp ủy, cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

LÊ VIÊN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/cu-the-trach-nhiem-ca-nhan-to-chuc-chiu-giam-sat-i321138/