Cụ Trần Văn Thêm đã nhận đủ tiền bồi thường và được toàn quyền định đoạt
Cho rằng bố mình chỉ cầm về nhà hơn 2 tỷ trong số 6,7 tỷ đồng được Nhà nước bồi thường oan sai, con trai cụ Trần Văn Thêm (82 tuổi, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đã đề nghị công an làm rõ. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hòa (người đại diện cho cụ Thêm trong việc giải quyết bồi thường oan sai) thì cho rằng cụ đã nhận đủ tiền bồi thường và được toàn quyền sử dụng số tiền này. Điều này cũng đã được cụ Thêm xác nhận.
Cụ Trần Văn Thêm từng bị bắt và kết án tử hình oan ức, phải mang thân phận tử tù hơn 40 năm. Đến năm 2016, cụ mới được Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đình chỉ điều tra và 1 năm sau thì được TAND Cấp cao tại Hà Nội giải quyết bồi thường hơn 6,7 tỷ đồng.
Theo thỏa thuận của cụ Thêm, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã chuyển hơn 6,7 tỷ đồng bồi thường vào tài khoản ngân hàng của ông Nguyễn Văn Hòa (Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội - người đại diện cho ông Thêm trong việc giải quyết bồi thường).
Theo biên bản giao nhận tiền bồi thường ngày 19/3/2018 thì ông Hòa đã giao đủ cho cụ Thêm hơn 6,7 tỷ đồng, trước sự chứng kiến của của anh Trần Văn Được - cháu cụ Thêm. Việc cụ Thêm ký và điểm chỉ vào văn bản này còn được Công chứng viên Văn phòng Công chứng Quốc Dân (Hà Nội) xác nhận.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, 1 trong số các con cụ Thêm đã có đơn đến Công an huyện Yên Phong đề nghị làm rõ có hay không việc “ăn chặn” tiền bồi thường vì thực tế, cụ Thêm chỉ mang về nhà hơn 2 tỷ trong số 6,7 tỷ đồng được nhận.
Trước nghi vấn trên từ phía con cụ Thêm, trao đổi với phóng viên, ông Hòa cho biết “khi rút tiền bồi thường từ ngân hàng để giao cho cụ Thêm, tôi có khuyên cụ Thêm làm sổ tiết kiệm. Sau khi cụ đã đồng ý, ngân hàng đã lập cho cụ 6 sổ tiết kiệm, mỗi sổ 500 triệu đồng. Cụ đã cầm 6 sổ tiết kiệm trên cũng số tiền mặt còn lại rồi ký, lăn tay vào giấy giao nhận.
Sau đó, mọi người đến văn phòng công chứng để công chứng viên xác nhận. Trước khi về Bắc Ninh, cụ Thêm còn gửi lại 1 số tiết kiệm nhờ ông Hòa giữ hộ. Sau này, nếu có phải nộp thuế thu nhập cá nhân mà trót tiêu hết tiền thì cụ Thêm vẫn còn tiền để nộp. Sổ này vẫn đứng tên cụ Thêm chứ không chuyển sang tên ông Hòa.
Đến ngày 03/7/2019, cụ Thêm đã đến Văn phòng Công chứng Quốc Dân làm Giấy ủy quyền cho anh Trần Tuệ Lâm (SN 1986, cháu đích tôn của ông Thêm) được sử dụng sổ tiết kiệm (500 triệu đồng) mà ông Hòa giữ hộ, với điều kiện anh Lâm phải lấy vợ hoặc làm nhà thờ.
Theo ông Hòa thì từ năm 2015, cụ Thêm đã làm Giấy ủy quyền cho ông Hòa trong việc “đề nghị giải quyết minh oan và nhận bồi thường oan sai” (năm 2017, hai bên lập lại giấy ủy quyền do giấy tờ tùy thân có thay đổi). Việc ông Hòa nhận tiền bồi thường và trả tiền cho cụ Thêm là thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của người được ủy quyền và không hề có việc “ăn chặn” tiền trong vụ việc này. Còn chi tiêu, sử dụng tiền như thế nào là chuyện cá nhân, do ông Thêm tự định đoạt.
Xác nhận nội dung trên cụ Trần Văn Thêm cũng cho biết: “Trong nhiều năm tôi đi kêu oan, các con tôi không ai tham gia và không giúp gì cho tôi. Chỉ có cháu Trần Văn Được là người đưa tôi đi kêu oan. Sau đó, luật sư Vũ Văn Lợi – Giám đốc Cty Luật TNHH Hòa Lợi và ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc đã giúp tôi trong việc minh oan.
Khi nhận tiền bồi thường, ông Hòa là người cẩn thận đã giao đủ số tiền hơn 6,7 tỷ đồng (gồm 6 sổ tiết kiệm và tiền mặt) cho tôi. Sau đó, tôi đã gửi ông Hòa 1 sổ và cho cháu Được 1 sổ (mỗi sổ trị giá 500 triệu) và cho các con, mỗi người từ 200 đến 500 triệu đồng. Tôi cũng đã khai như vậy với công an huyện. Từ ngày nhận tiền đến nay, gia đình tôi luôn biết ơn Cty Luật Hòa Lợi cũng như vẫn đi lại thăm hỏi ông Hòa…”.
Đồng tình với ý kiến này, anh Trần Văn Được (cháu ông Thêm) cho biết: “Khi tôi đưa ông tôi đi kêu oan thì gặp được LS Lợi và ông Hòa đứng ra trợ giúp pháp lý miễn phí. Phải một thời gian dài, với nhiều công sức, tâm huyết và đạo đức nghề nghiệp thì các ông này mới giúp ông tôi giải oan. Nay, hai ông cháu rất buồn và không đồng tình với những thông tin không chính thống cho rằng đã có khuất tất trong việc “ăn chia” tiền bồi thường oan sai thời gian gần đây”.
Trao đổi với phóng viên về vụ việc trên, LS Vũ Lợi - Giám đốc Công ty Luật TNHH Luật Hòa Lợi cho biết, Cty và cá nhân luật sư đã thực hiện hỗ trợ pháp lý miễn phí cho ông Trần Văn Thêm trong suốt quá trình kêu oan, cho tới khi được tổ chức xin lỗi công khai tại nơi cư trú.
"Đến giai đoạn cụ Thêm yêu cầu bồi thường oan sai thì LS không hỗ trợ nữa. Việc yêu cầu bồi thường và nhận bồi thường do ông Thêm, anh Được thỏa thuận ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Hòa. Vì vậy, ông Hòa thực hiện công việc giải quyết bồi thường và nhận tiền là với tư cách cá nhân. Tiền nhà nước bồi thường cũng được chuyển vào tài khoản cá nhân ông Hòa rồi ông Hòa rút ra để giao cho ông Thêm chứ không chuyển qua tài khoản Cty Luật.
Gần đây, có nhiều thông tin liên quan đến cách chi tiêu tiền của ông Thêm nhưng tôi cho rằng, đã có “giấy trắng, mực đen” và lăn tay, điểm chỉ đầy đủ. Mọi việc đều thực hiện theo ý nguyện của cụ Thêm trong lúc cụ hoàn toàn minh mẫn, tỉnh táo. Vì vậy, có thể thấy thông tin cho rằng có việc chiếm đoạt, ăn chia tiền bồi thường trong vụ việc này là không chính xác."