Cử tri đề nghị có quy định quản lý thức ăn đường phố, Bộ trưởng Bộ Y tế nói gì?

Cử tri kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu ban hành quy định quản lý nhà hàng trong các khách sạn, bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố.

Trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Thanh Hóa có ý kiến gửi Bộ Y tế về việc hiện nay Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định "nhà hàng trong khách sạn, bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố không cần phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm". Điều này gây khó khăn cho thống kê, theo dõi, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở này.

Do đó, cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu ban hành quy định quản lý nhà hàng trong các khách sạn, bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố.

Trả lời nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết hiện các quy định về quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (bao gồm các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, thức ăn đường phố) đã được quy định cơ bản đầy đủ và cụ thể tại điều 31, 32, 33, Luật An toàn thực phẩm; điều 11, 12, Nghị định 15/2018/NĐ-CP; và điều 2, Nghị định 155/2018/NĐ-CP.

Theo quy định tại khoản 2, điều 65, Luật An toàn thực phẩm, UBND các cấp chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; quản lý điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý.

 Cử tri kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu ban hành quy định quản lý nhà hàng trong các khách sạn, bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố. (Ảnh minh họa: TRẦN MINH)

Cử tri kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu ban hành quy định quản lý nhà hàng trong các khách sạn, bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố. (Ảnh minh họa: TRẦN MINH)

Theo quy định tại điều 12, Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, nhà hàng trong khách sạn, bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Dù vậy, các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ và kinh doanh thức ăn đường phố không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm vẫn phải tuân thủ các quy định tại điều 31, 32, 33 Luật An toàn thực phẩm và điều 2, Nghị định 155/2018/NĐ-CP nêu trên.

Trường hợp cơ sở vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm thì xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị cơ quan chức năng tại các địa phương căn cứ các quy định của pháp luật nêu trên để thực hiện việc quản lý về an toàn thực phẩm.

Bộ Y tế ghi nhận ý kiến của cử tri để nghiên cứu, xem xét trong quá trình sửa đổi Luật An toàn thực phẩm sắp tới.

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/cu-tri-de-nghi-ban-hanh-quy-dinh-quan-ly-thuc-an-duong-pho-bo-truong-bo-y-te-noi-gi-post829333.html