Cử tri đề nghị điều chỉnh dạy môn tích hợp, Bộ trưởng GD&ĐT nói gì?

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời kiến nghị cử tri Thanh Hóa gửi đến Kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV về vấn đề dạy môn tích hợp THCS theo chương trình phổ thông mới.

Cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ GD&ĐT tạo xem xét điều chỉnh việc dạy môn tích hợp ở bậc THCS để đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động dạy học và đồng bộ với chương trình giáo dục cấp THPT.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dẫn Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, xác định rõ về nội dung đổi mới, trong đó, ở cấp tiểu học và cấp THCS thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp. Thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học.

Cử tri đề nghị điều chỉnh dạy môn tích hợp bậc THCS. (Ảnh minh họa)

Cử tri đề nghị điều chỉnh dạy môn tích hợp bậc THCS. (Ảnh minh họa)

Cụ thể hóa việc nghị quyết trên, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 32/2018 về Chương trình giáo dục phổ thông, trong đó cấp THCS có môn Khoa học tự nhiên được tích hợp từ các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; tích hợp môn Lịch sử - Địa lý nhằm tạo thuận lợi cho việc khai thác các nội dung dạy học cụ thể toàn diện từ nhiều khía cạnh.

Các chủ đề trong môn tích hợp được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lí, quy luật chung của thế giới tự nhiên.

Đến ngày 10/10/2023 Bộ GD&ĐT ra công văn hướng dẫn và tập huấn tới tất cả các giáo viên dạy 2 môn học tịch hợp này trên toàn quốc. Trong đó, việc phân công giáo viên dạy học môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử - Địa lý bảo đảm sự phù hợp về năng lực chuyên môn được đào tạo của giáo viên với nội dung dạy học được phân công.

Ví dụ, với môn Khoa học tự nhiên, giáo viên sẽ được phân công theo các mạch nội dung, không bắt buộc một giáo viên khi chưa được chuẩn bị sẵn sàng về năng lực chuyên môn phải dạy cả chương trình môn học.

Việc phân công giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đảm nhận dạy từ 2 mạch nội dung hoặc toàn bộ chương trình môn học phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về năng lực chuyên môn của giáo viên để bảo đảm chất lượng dạy học. Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học; giáo viên dạy học nội dung nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá đối với nội dung đó.

Văn bản trả lời của Bộ GD&ĐT chỉ nêu đã hướng dẫn và tập huấn dạy môn tích hợp mà không đề cập trực tiếp đến kiến nghị của cử tri về việc có điều chỉnh môn tích hợp hay không. Trong khi đó, việc dạy học tích hợp ở cấp THCS luôn là vấn đề gây băn khoăn, bức xúc nhất trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới khi chưa có sự chuẩn bị về đội ngũ giáo viên cho môn học này.

Tháng 8/2023, tại cuộc gặp gỡ giáo viên cả nước, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn từng thừa nhận: "Việc dạy các môn tích hợp, liên môn là một trong những khó khăn nhất khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, là "điểm vướng, nghẽn, khó". Bộ trưởng hứa sẽ có những điều chỉnh với việc dạy các môn tích hợp ở bậc THCS.

Khánh Huyền

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cu-tri-de-nghi-dieu-chinh-day-mon-tich-hop-bo-truong-gd-dt-noi-gi-ar923758.html