Tuyển dụng giáo viên cao đẳng dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới, vẫn còn nỗi lo

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy vậy, nếu chính sách này không được thực hiện một cách đồng bộ thì vẫn còn đó những nỗi lo.

Thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học đặc thù

Chính phủ thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại Tờ trình số 1142/TTr-BGDĐT ngày 28/8/2024 và hồ sơ liên quan kèm theo.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành Nghị quyết tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (tháng 5 năm 2025) theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đa số các trường trung học phổ thông chưa có giáo viên môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) để học sinh lựa chọn môn học theo quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022-2023.

Số lượng giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp trung học cơ sở có trình độ đại học trở lên vẫn chưa đủ để bố trí giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học đối với ngành sư phạm Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên, Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mĩ thuật (thời gian đào tạo trình độ đại học là 04 năm) chưa kịp để đáp ứng nguồn giáo viên cho công tác tuyển dụng.

Do đó, cần thiết phải tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để trở thành giáo viên, bảo đảm có đủ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở một số môn học.

Tuyển dụng giáo viên cao đẳng dạy trung học phổ thông: Cần có chính sách đồng bộ

Về việc thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một giáo viên bậc trung học phổ thông nêu một số quan điểm sau đây.

Thứ nhất, thực tiễn dạy học cho thấy, nhiều người có bằng cao đẳng nhưng vẫn dạy tốt, được học sinh, phụ huynh, nhà trường đánh giá cao.

Cùng với đó, so với Chương trình 2006, Chương trình mới cấp tiểu học có thêm môn Tiếng Anh, Tin học bắt buộc từ lớp 3. Bậc trung học cơ sở có hai môn mới là Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên.

Còn bậc cấp trung học phổ thông, lần đầu môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) được đưa vào làm môn tự chọn để học sinh lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp. Trong khi đó, giáo viên dạy các môn này lại khan hiếm nên việc tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn để lấp chỗ trống là giải pháp khả thi.

Thứ hai, Phòng/Sở giáo dục và Đào tạo cần tuyển dụng viên chức theo hình thức thi tuyển thay vì xét tuyển để có thể tuyển dụng được những giáo viên có trình độ cao đẳng giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, tâm huyết với nghề.

Việc xét tuyển viên chức giáo viên hiện nay đang tồn tại một số bất cập, chẳng hạn, dựa vào điểm số tốt nghiệp của ứng viên; thiếu minh bạch ở phòng phỏng vấn;… Đáng nói, có địa phương yêu cầu ứng viên phải làm bài thi môn tiếng Anh nhưng họ không hề dạy môn này.

Cần biết thêm, Nghị định 85/2023/NĐ-CP quy định: "Đối với vị trí việc làm không yêu cầu ngoại ngữ trong tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng và theo bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm thì không phải tổ chức thi Phần II" (ngoại ngữ).

Thứ ba, giáo viên có trình độ cao đẳng dạy một số môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật,… cần được hưởng hệ số lương theo trình độ đại học cùng với các chế độ khác tương ứng. Hiện nay, giáo viên tốt nghiệp đại học có hệ số lương khởi điểm 2,34 cộng với 30% phụ cấp đứng lớp là không đủ trang trải cho cuộc sống.

Hơn nữa, giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật,… khó dạy thêm so với các môn khác như Toán, Vật lí, Hóa học,…Vì vậy, lãnh đạo các nhà trường phổ thông cần tạo điều kiện trong việc sắp thời khóa biểu sao cho gọn để giáo viên có thể dạy cùng lúc 2-3 trường, dạy liên cấp.

Cần cam kết, trong quá trình dạy học, giáo viên dạy những môn này phải được nâng chuẩn (đại học) theo Luật Giáo dục 2019 thì mới được xem xét nâng lương; nâng lương trước thời hạn; thăng hạng chức danh nghề nghiệp;…

Nhìn chung, khi đã có hành lang pháp lí rõ ràng, các chính sách được thực hiện một cách đồng bộ, hợp tình hợp lí thì ngành giáo dục các địa phương có thể tăng nguồn tuyển giáo viên một số môn đặc thù trong thời gian tới.

Phan Anh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/tuyen-dung-giao-vien-cao-dang-day-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-van-con-noi-lo-179250204130530945.htm