Cử tri đề nghị giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
Sáng 20/11, bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của đợt 2, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH đánh giá, vẫn còn nhiều kiến nghị của cử tri chưa được quan tâm, giải quyết liên quan đến một số lĩnh vực như nông nghiệp, nông thôn, tài nguyên và môi trường, y tế, giáo dục, lao động - thương binh và xã hội, giao thông vận tải, văn hóa, thể thao và du lịch...
Nhiều đại biểu cho biết, vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ tại các cơ sở y tế, các bệnh viện công lập ở một số tỉnh thành đã được đề cập nhiều trong các báo cáo, cũng như được thảo luận, chất vấn nhiều lần tại kỳ họp nhưng vẫn không giải quyết được. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP.Hà Nội) đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế cố gắng giải quyết bằng các văn bản pháp lý cần thiết nhằm thúc đẩy việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Đồng thời, đề nghị các tỉnh thành, địa phương đôn đốc, kiểm tra, tổ chức mua sắm các trang thiết bị cho đủ, đúng, để bảo đảm điều kiện tốt cho công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cũng cho biết, tại các cuộc tiếp xúc cử tri ngành y tế, có thực trạng trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, do nhiều ca mắc liên tục và việc thực hiện mua sắm theo quy định gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội. Các đơn vị thực hiện mượn hàng, vật tư y tế hóa chất sát khuẩn của các nhà cung cấp, doanh nghiệp tư nhân đến nay chưa thanh toán do vướng các thủ tục. Đại biểu cho rằng, mặc dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 99 về giám sát chuyên đề này để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng đến nay, Chính phủ và Bộ Y tế vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn thi hành.
Tranh luận với đại biểu Nguyễn Hữu Thông về các khoản nợ của các bệnh viện, cơ sở y tế trong giai đoạn đại dịch Covid-19 chưa trả được, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) khẳng định đây là vấn đề nổi cộm không chỉ của tỉnh Bình Thuận mà còn là vấn đề của đại đa số các tỉnh, thành phố mà đại dịch bùng phát, không chỉ vật tư, thuốc men mà còn cả suất ăn, đồ giặt, oxy, khí nén... Theo đại biểu Lân Hiếu, chỉ đề xuất Bộ Y tế ban hành hướng dẫn là chưa đủ mà phải hướng dẫn chi tiết về vướng mắc các mặt hàng cụ thể, và các địa phương cần hỗ trợ quyết liệt ngành y tế bằng các nghị quyết của HĐND, giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại sau đại dịch để ngành y tế yên tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc bảo đảm thuốc, vật tư y tế sau thời gian đại dịch Covid-19 có các vướng mắc về nguồn cung. Cơ chế chính sách đều đã được tháo gỡ, tuy nhiên, nhiều cán bộ ở cơ sở còn lúng túng trong việc triển khai đấu thầu, việc phân cấp, phân quyền ở địa phương còn bất cập, chưa bảo đảm rút gọn quy trình thủ tục, dẫn đến kéo dài thời gian. Bộ trưởng đề nghị UBND các tỉnh rà soát lại để bảo đảm quản lý được nhưng vẫn trao quyền chủ động cho các cơ sở, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện.
Còn đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) nêu, trong số 18 kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực giáo dục vẫn đang trong quá trình giải quyết, thì có đến 8 kiến nghị về quản lý việc dạy thêm, học thêm. Đại biểu đánh giá, tình trạng dạy thêm trái quy định gần đây có chiều hướng gia tăng và gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là đối với học sinh tiểu học; việc dạy thêm, học thêm đã bị biến tướng trở thành vấn nạn, gây ra những hệ lụy đáng lo ngại, bào mòn niềm tin của cử tri và nhân dân về chất lượng, hiệu quả giáo dục cũng như ảnh hưởng đến hình ảnh của các nhà giáo chân chính. Bày tỏ quan điểm rằng dạy thêm, học thêm là quyền lợi chính đáng, đại biểu lý giải, vấn đề cử tri và nhân dân mong muốn là quy định và tổ chức việc dạy thêm, học thêm như thế nào để lành mạnh và đúng quỹ đạo, còn những lớp học thêm tai tiếng vì găm bài, vì gợi mở để kiểm tra phải bị xử lý một cách nghiêm khắc và quyết liệt.
Về thực trạng bức xúc trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã có rất nhiều những văn bản quy định nhưng chỉ là quản lý trong khuôn khổ của nhà trường. Còn đối với môi trường ngoài nhà trường, vẫn còn đang thiếu một cơ sở pháp lý để có thể quản lý, điều tiết, giám sát, xử lý. "Trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Bộ đã đề nghị bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng không rõ lý do tại sao trong quá trình từ năm 2020 - 2021 thì việc này không được chấp thuận" - Bộ trưởng trình bày.
Chiều 20/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong năm 2024.
Báo cáo thẩm tra về việc giảm thuế GTGT, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách để đồng hành cùng Chính phủ trong các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Trước đó, trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài chính thời gian qua đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân được trở lại bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, do vậy, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, qua 4 tháng thực hiện (tháng 7, 8, 9 và tháng 10 năm 2023), chính sách giảm thuế GTGT đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 15,6 ngàn tỷ đồng, đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023 và nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2024 như: tiếp tục xem xét giảm thuế GTGT 2% và xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đã áp dụng của năm 2023; tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí.