Cử tri Gia Lâm nhất trí cao nội dung Đề án thành lập quận
Thực hiện Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 28/7/2023 của UBND huyện Gia Lâm về việc tổ chức lấy ý kiến cử tri trình HĐND các cấp thông qua nội dung Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận, ngày 27/8, huyện Gia Lâm đã tổ chức lấy ý kiến cử tri tại các xã, thị trấn.
Lãnh đạo huyện Gia Lâm cũng tổ chức các đoàn công tác xuống chỉ đạo, kiểm tra tình hình lấy ý kiến cử tri tại các xã, thị trấn. Trong đó, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà kiểm tra công tác lấy ý kiến cử tri tại xã Đa Tốn; Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền kiểm tra công tác lấy ý kiến cử tri tại các xã: Phù Đổng, Trung Mầu, Yên Viên.
Nhân dân phấn khởi
Vừa ra chợ mua đồ ăn về, bà Đỗ Thị Hợi, thôn Phù Đổng 2, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã được tổ lấy ý kiến cử tri của thôn Phù Đổng 2 đến phát phiếu lấy ý kiến. Đặt bút điền vào ô “đồng ý” thành lập quận Gia Lâm và phường Phù Đổng, bà Hợi vui mừng cho biết, huyện Gia Lâm trở thành quận và xã Phù Đổng trở thành phường là mong muốn của gia đình bà cũng như nhiều người dân trong xã. Thời gian qua, huyện và xã đã rất cố gắng trong công tác lãnh đạo chỉ đạo, xây dựng hạ tầng, đường sá, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Bà Hợi cho biết bà vô cùng phấn khởi và ủng hộ nhiệt tình chủ trương này.
Thôn Phù Đổng 2 có tổng số 622 hộ, 1.347 cử tri, là “thôn thông minh” của xã Phù Đổng trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Ông Trịnh Xuân Luyến, Trưởng thôn Phù Đổng 2 cho biết, ngay từ 7 giờ sáng ngày 27/8, tổ lấy ý kiến cử tri của thôn đã có mặt tại Nhà văn hóa để cập nhật thường xuyên và nắm bắt thông tin. Về cơ bản, Nhân dân thôn Phù Đổng 2 rất ủng hộ chủ trương thành lập quận Gia Lâm và phường Phù Đổng.
Theo ông Phùng Xuân Việt, Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng, ngay sau khi có chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Gia Lâm về về việc lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận, xã Phù Đổng đã xây dựng kế hoạch triển khai tới tất cả các thôn. Theo đó, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Tổ Thư ký giúp việc và thành lập 6 tổ lấy ý kiến cử tri ở 6 thôn với 116 thành viên; niêm yết danh sách cử tri trước 1 tháng; đồng thời xây dựng kế hoạch tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.
“Việc trở thành phường Phù Đổng của quận Gia Lâm là niềm vui, niềm phấn khởi của Nhân dân trong toàn xã, bởi chúng tôi vừa xây dựng thành công nông thôn mới kiểu mẫu; hạ tầng, đường sá cũng được đầu tư nâng cấp rất văn minh, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn đô thị” – ông Việt nói.
Tại xã Trung Mầu - đơn vị hợp nhất với xã Phù Đổng để thành lập phường Phù Đổng, ông Nguyễn Thanh Hương, thôn 2, xã Trung Mầu cho biết, theo Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận, có một số xã phải hợp nhất, trong đó có Trung Mầu. Tuy lúc đầu có băn khoăn, nhưng sau khi được tuyên truyền, người dân Trung Mầu nhận thấy, trở thành phường sẽ có nhiều lợi thế phát triển hơn, do đó Nhân dân đều đồng thuận, ủng hộ. Ông Hương mong muốn sau khi trở thành phường sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng để xứng đáng với vị trí của đô thị.
Ông Nguyễn Xuân Hảo, Bí thư Đảng ủy xã Trung Mầu cho biết, chủ trương xây dựng huyện Gia Lâm thành quận, các xã, thị trấn thành phường là chủ trương đúng đắn của Thành phố Hà Nội. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nên Đảng ủy, UBND xã Trung Mầu đã xây dựng nghị quyết chuyên đề và kế hoạch thực hiện. Xã cũng đã tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền đến người dân. Đến nay, Nhân dân Trung Mầu rất đồng thuận; qua công tác lấy ý kiến cử tri, tỷ lệ người dân đồng thuận rất cao.
Đồng thuận, nhất trí cao
Không chỉ có Phù Đổng, Trung Mầu mà tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gia Lâm, Nhân dân rất vui mừng ủng hộ. Ông Nguyễn Văn Kỷ, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Yên Viên cho biết, ngay trong buổi sáng lấy ý kiến cử tri, tỷ lệ đồng thuận của xã đã đạt 100%. Mặc dù trước đó có 9 hộ còn chần chừ chưa ghi vào phiếu lấy ý kiến, nhưng sau khi được tổ công tác đến nhà tuyên truyền, phân tích, cả 9 hộ đã điền vào ô “đồng ý”.
Theo Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền, trước khi thực hiện Đề án xây dựng huyện thành quận, huyện Gia Lâm có 22 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 20 xã và 2 thị trấn. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường, qua rà soát có một số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định, nên phải sáp nhập, bao gồm: nhập xã Yên Viên với thị trấn Yên Viên để thành phường Yên Viên; nhập xã Kim Lan với xã Văn Đức, thành phường Kim Đức; nhập xã Đình Xuyên với xã Dương Hà, thành phường Thiên Đức; nhập xã Phù Đổng với xã Trung Mầu, thành phường Phù Đổng; nhập xã Kim Sơn với xã Phú Thị, thành phường Phú Sơn; nhập xã Đông Dư với với xã Bát Tràng, thành phường Bát Tràng. Khi trở thành quận, Gia Lâm sẽ có 16 phường.
Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã như trong Đề án đã được cân nhắc kỹ, đảm bảo sự đồng nhất về các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên… Đồng thời nhằm góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Ngoài ra, UBND huyện Gia Lâm cũng điều chỉnh địa giới hành chính của 4 xã, thị trấn trên địa bàn do có những thay đổi về ranh giới.
Tính đến 16h30 ngày 27/8, tỷ lệ lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận trên toàn huyện Gia Lâm đã đạt 99,41%. Sau khi lấy ý kiến cử tri, các xã, thị trấn sẽ tổ chức họp HĐND để thảo luận, biểu quyết về việc tán thành hoặc không tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm, báo cáo UBND huyện. HĐND huyện Gia Lâm sẽ họp biểu quyết tán thành Đề án xây dựng quận Gia Lâm và các phường thuộc quận, sau đó, hoàn thiện hồ sơ, trình UBND thành phố xem xét theo quy định.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cu-tri-gia-lam-nhat-tri-cao-noi-dung-de-an-thanh-lap-quan.html