Cử tri Hà Đông kiến nghị nhiều vấn đề an sinh trước kỳ họp
Sáng 6/6, tại trụ sở UBND quận Hà Đông, Tổ công tác số 10, HĐND TP Hà Nội tổ chức tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6 HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026. Nhiều cử tri của quận Hà Đông kiến nghị các vấn đề an sinh.
Theo đó, đại biểu HĐND TP Hà Nội đã báo cáo với cử tri Hà Đông về dự kiến thời gian kỳ họp HĐND TP diễn ra từ ngày 5-8/7, báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm; báo cáo của UBND TP trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 3 HĐND TP khóa XVI.
Tại buổi tiếp xúc, các đại biểu đã nghe 9 ý kiến của cử tri kiến nghị với HĐND và UBND về công tác an sinh, xã hội, đảm bảo an toàn giao thông. Cụ thể, cử tri phường Đồng Mai kiến nghị việc giao đất dịch vụ ở địa phương chậm từ 2007, nhiều gia đình đông con, có nhiều thế hệ nên việc chuyển đổi nghề và ổn định chỗ ở gặp khó khăn. Đề nghị Chính phủ, TP, quận và phường giải quyết dứt điểm cho người dân, tạo lòng tin cho Nhân dân, các cấp nên có một hội nghị đối thoại trực tiếp với dân.
Việc hành lang thoát lũ sông Đáy, UBND TP đã có văn bản trả lời nhưng chưa thỏa đáng, chưa giải quyết. Đến nay, tại đầy có 1.500 hộ gia đình sống, nhà ở đã xuống cấp có thể sập đổ bất kỳ khi nào do không được sửa chữa, nâng cấp.
Cử tri phường Hà Cầu cho biết, công viên cây xanh đã được đưa vào thực hiện nhiều năm nay, nhưng chưa được đầu tư xây dựng, trong khi đó, người dân có nhu cầu vui chơi giải trí. Vấn đề thực hiện đường N1 tại trung tâm hàng chính quận từ năm 2005 đến nay chậm triển khai. Dự án đang ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực không được cải tạo, xây dựng lại, gây ô nhiễm môi trường. Đề nghị triển khai tiếp, hoặc sớm dừng thực hiện để người dân ổn định cuộc sống.
Cử tri phường Văn Quán, cho biết: Hiện nay các dự án xây dựng theo hình thức BT trên địa bàn quận còn chậm triển khai. Trong đó, có đường 19/5 tại phường rất chật hẹp. Vào thời điểm tan tầm, giờ đi làm luôn ùn tắc. Dự án đã có nhiều năm nay nhưng chưa triển khai.
Cử tri phường Yết Kiêu cho biết: Phường không có trường THCS, nên đề nghị TP và quận quan tâm đến vấn đề giáo dục đào tạo. Chợ tạm Yết Kiêu đã giải tỏa, nhưng đường xuống cấp, đề nghị được nâng cấp để giao thông thuận lợi.
Cử tri tổ dân phố 8 phường Phúc La, Nhân dân đã đổi đất để xây nhà họp dân, nhưng đến nay vẫn chưa có nhà họp dân. Diện tích đất không có, nhưng TDP đề nghị mua diện tích ở chung cư thì không được chấp thuận.
Đại diện phòng Kinh tế quận Hà Đông cho biết: Công tác đổi mới mô hình quản lý kinh doanh chợ giai đoạn 2022 – 2025, quận Hà Đông triển khai đổi mới quản lý 5 chợ. Hiện nay, công tác quản lý chợ đang gặp vướng mắc do các văn bản chỉ đạo của Sở Tài Nguyên và Môi trường với Sở Công thương cũng như sự chỉ đạo của TP chưa thống nhất. Do hạ tầng các chợ đều đã xuống cấp, nếu đấu thầu xong không giao đất thì chủ đầu tư không thể xây dựng cải tạo chợ sau chuyển đổi. Một số chợ đã chuyển đổi mô hình nhưng cũng không được giao đất.
Cử tri phường Yết Kiêu cho biết, 23 hộ dân ở kênh máng La Khê được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được đền bù, đề nghị các vướng mắc cần tổ chức họp với dân để có cách giải quyết hợp lý, thỏa đáng. Nhà chung cư 16B Nguyễn Thái Học, đến nay 11 năm sử dụng nhưng chưa được cấp sổ hồng, còn khá nhiều vướng mắc trong việc cấp sổ hồng cho người dân. Đề nghị TP tháo gỡ cho cư dân để sớm được cấp sổ hồng.
3 sở, ngành Sở Nông nghiệp, Công thương, Tài nguyên môi trường đã trả lời những ý kiến của cử tri quận Hà Đông. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, các nội dung trả lời cử tri đã đảm bảo được yêu cầu, nhưng cũng có những trả lời chưa đáp ứng được mong đợi của cử tri, Tổ HĐND TP sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến kể trên, những điểm nào chưa đạt sẽ tiếp tục chỉ đạo địa phương, đơn vị triển khai giải quyết tiếp và trả lời cử tri.
Quận Hà Đông vẫn duy trì tốt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, nhưng vẫn còn vấn đề gây bức xúc đối với người dân nhiều năm, do đó, TP, quận và phường cần xem xét để giải quyết rõ ràng, cấp nào giải quyết dứt điểm cấp đó. TP sẽ chuyển những ý kiến của cử tri đến các cơ quan chức năng để giải quyết.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng giải đáp rõ một số vướng mắc và trả lời của sở, ngành chưa rõ như: đất dịch vụ của Đồng Mai, vấn đề thoát lũ sông Đáy yêu cầu quận Hà Đông cần phải xem xét hỗ trợ người dân cải tạo nhà ở tránh việc để nhà ở quá khó khăn. Quận xem xét quỹ đất tái định cư để người dân có thể di dời đúng người, đúng đối tượng. Những vấn đề không thuộc thẩm quyền của TP và quận sẽ được trình Chính phủ giải quyết.
Công viên giải trí quận Hà Đông với 98 ha nhưng hiện nay vẫn chưa triển khai được. Quận phải có quan điểm dứt khoát, giải quyết theo hướng đầu tư nào. Nếu đầu tư công thì đồng bộ theo hướng công viên giải trí, cây xanh phục vụ cho cộng đồng và người dân.
Việc học sinh THPT tiếp cận với trường học công lập còn khó khăn, do đó, quận cần quan tâm đầu tư mới. Quận rà soát những tuyến đường trên địa bàn để rải át phan đảm bảo an toàn giao thông và đô thị sạch đẹp. Xem xét nhà họp dân đối với cử tri phường Phúc La.
Đại diện 23 hộ bị thu hồi do liên quan đến kênh La Khê và trạm bơm Yên Nghĩa. Nguồn gốc đất ở đây trên khu vực kênh La Khê đã nhiều năm, rất phức tạp, do điều kiện quản lý không đảm bảo. Do đó, quận phải xem xet, rà soát lại để những ai đủ điều kiện hỗ trợ, hay tái định cư, giúp cho người dân đảm bảo an sinh đời sống. Nếu trường hợp nào không đủ điều kiện thì cương quyết không hỗ trợ. Đây là trách nhiệm của quận và phường.
Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở của người dân tại chung cư 16B Nguyễn Thái Học, do 3 hộ chưa giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư chưa thực hiện được nghĩa vụ tài chính. Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng với quận và phường phải xem xét rõ ràng từng phần việc để giải quyết vấn đề này, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cu-tri-ha-dong-kien-nghi-nhieu-van-de-an-sinh-truoc-ky-hop.html