Cử tri Hà Nội nêu loạt kiến nghị trước Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội
Báo cáo tóm lược 53 nhóm ý kiến của cử tri Hà Nội về các vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.
Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thành phố Hà Nội đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổng hợp ý kiến của cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Theo đó, báo cáo tóm lược 53 nhóm ý kiến của cử tri Thủ đô về các vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.
Tăng cường giám sát các dự án trọng điểm
Theo đó, cử tri đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, thanh tra, kiểm tra, điều tra, kết luận, xử lý kỷ luật, truy tố, xét xử và mở rộng điều tra các vụ án tham nhũng thời gian vừa qua.
Qua đó, cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, hoàn thiện chế tài xử lý đối với các hành vi tham nhũng, lãng phí, bảo đảm tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật; giải quyết dứt điểm các vụ án tham nhũng, tiêu cực kéo dài.
Đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Luật của Quốc hội, cử tri đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ ban hành nghị quyết về tổ chức lấy ý kiến rộng rãi Nhân dân góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thể hiện sự dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Tuy nhiên, cử tri Hà Nội đề nghị Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, sát thực tiễn, đảm bảo khả thi trước khi thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), có cơ chế chính sách đặc thù, đột phá nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại liên quan đến đất đai kéo dài.
Đồng thời, cử tri đề nghị sửa đổi Luật Đất đai theo hướng tập trung các quy định về quản lý Nhà nước đối với các nội dung về đất đai như: Quy hoạch, kế hoạch, xác định các loại đất, quản lý có tính chất hành chính, điều tiết về đất đai... về các nội dung liên quan đến giao dịch trên thị trường thì do các luật chuyên ngành quy định.
Về nội dung giám sát, cử tri Hà Nội đề nghị Quốc hội tăng cường công tác giám sát tổng thể việc thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng như: Dự án đường cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô… để tránh để xảy các hành vi vi phạm pháp luật, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, cử tri Hà Nội cũng đề nghị Quốc hội tăng cường công tác giám sát một số bệnh viện đã xây dựng từ nhiều năm nhưng hoạt động không hiệu quả như: Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 ở Phủ Lý (Hà Nam)... có giải pháp phân bổ kinh phí đầu tư, nâng cấp xây dựng, cải tạo hệ thống y tế cơ sở và chế độ, chính sách cho cán bộ, nhân viên y tế cơ sở.
Đối với vấn đề quy hoạch, cử tri Hà Nội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng, Thành phố đẩy nhanh tiến độ lập nhiệm vụ và Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, trong đó bổ sung nội dung điều chỉnh ranh giới phát triển đô thị toàn bộ địa giới hành chính và xem xét điều chỉnh các nội dung cho phù hợp.
Đồng thời, đề nghị Quốc hội ban hành những chính sách mang tính đột phá để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và dự án Đại học Quốc gia, khắc phục tình trạng đất đai bị bỏ hoang, lãng phí kéo dài nhiều năm...
Hướng dẫn xây dựng giá bán nhà ở xã hội
Cử tri đề nghị Bộ Xây dựng khi thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" cần nghiên cứu, lựa chọn địa điểm xây dựng phù hợp, tránh các địa điểm quá đông dân cư, hạ tầng giao thông đã quá tải; xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ đảm bảo đúng đối tượng, tránh tình trạng mua đi bán lại trục lợi.
Song song việc xây nhà mới, rà soát kỹ các khu nhà xã hội, nhà thương mại, các khu biệt thự cũ để cải tạo, bố trí cho phù hợp; đôn đốc việc sửa chữa các chung cư cũ, tránh tình trạng các doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư xây dựng các khu nhà mới.
Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm nghiên cứu hướng dẫn việc xây dựng giá bán nhà ở xã hội theo hướng để người có thu nhập thấp và sinh viên có cơ hội được thụ hưởng.
Ngoài những vấn đề nêu trên, cử tri Hà Nội cũng kiến nghị xem xét tăng chính sách đãi ngộ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, để giáo viên yên tâm gắn bó với nghề; sớm phê duyệt chủ trương sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn nhằm tránh lãng phí; tiếp tục quan tâm sửa đổi, nâng cao chất lượng chương trình giáo dục phổ thông...
Ngoài ra, cử tri Thủ đô băn khoăn trước tình hình lạm phát, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc bị giải thể vì thiếu đơn đặt hàng, sản xuất cầm chừng, thị trường lao động phục hồi chậm, một bộ phận người lao động gặp khó khăn, thiếu việc làm. Cử tri mong muốn có các giải pháp tổng thể kiểm soát lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng.