Cử tri hiến kế thêm những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Chiều 29/5, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV làm việc tại hội trường với nội dung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phiên làm việc được truyền hình, phát thanh trực tiếp đã nhận được sự quan tâm của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là với những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân thành phố.

Đa dạng nguồn lực cho thực hiện mục tiêu bình đẳng giới

Bà Phan Thị Kim Hoa, cử tri Phường 12 quận Tân Bình, từng có nhiều năm làm cán bộ phụ nữ cơ sở trước khi về hưu cho rằng, kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, nhất là trong mục tiêu đảm bảo sự bình đẳng giới trong thu nhập và vị trí việc làm.

Theo bà Kim Hoa, công tác thực hiện bình đẳng giới tuy đã được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương quan tâm nhưng vẫn chưa đạt kết quả cao. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2023 vẫn chưa đạt gần 50% chỉ tiêu của Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới. Một trong những lý do đã được đại biểu Trần Kim Yến (Thành phố Hồ Chí Minh) đưa ra rất xác đáng, đó là sự quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác này còn chưa đủ, trong đó có cả nguồn lực tài chính và nhân lực. Cho đến nay, phụ nữ đang tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội. Khoảng cách thu nhập giữa lao động nữ và nam trong các xí nghiệp, tổ chức kinh tế tuy đã được thu hẹp nhưng vẫn chưa đạt mức mong muốn của phụ nữ với tư cách là một trong hai nguồn lao động chính của xã hội.

Bà Phan Thị Kim Hoa cho rằng, để nâng cao hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, bên cạnh những giải pháp mang tính tổng thể đã được một số đại biểu Quốc hội đưa ra tại hội trường, các địa phương cần nghiên cứu, đưa các mục tiêu bình đẳng giới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đơn vị; đẩy mạnh tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị, đoàn thể có giải pháp đảm bảo tỉ lệ nữ tham gia các cấp ủy đảng, lãnh đạo chính quyền, đơn vị phù hợp với từng địa phương và đơn vị. Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, cần có chính sách kêu gọi, sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới.

Tăng cường quản lý, hạn chế lãng phí nguồn lực đất đai

Cử tri Lã Hữu Vĩnh, Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm đến ý kiến của các đại biểu Quốc hội về vấn đề hạn chế sự lãng phí nguồn lực từ nhà đất, trong đó có nhà đất công trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian qua.

Theo ông Lã Hữu Vĩnh, báo cáo của Chính phủ và thực tế tại một số địa phương, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, vẫn còn tình trạng nhiều cơ quan, tổ chức được giao nhà đất, trụ sở, văn phòng nhưng đem cho thuê lại, gây lãng phí cho Nhà nước. Đất đai là tài nguyên quý giá của quốc gia nhưng vẫn còn bị chiếm dụng, sử dụng một cách lãng phí, thậm chí trái pháp luật, vừa gây bất bình cho cử tri, vừa gây thiệt hại cho Nhà nước.

Bên cạnh đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi quỹ đất dành cho các công trình công cộng, giao thông ngày càng hẹp đi cùng sự phát triển của đô thị thì vẫn còn rất nhiều dự án, công trình dang dở, xây dựng kéo dài không đưa vào sử dụng, dẫn đến lãng phí rất lớn trong quá trình sử dụng đất, đưa nguồn lực từ đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội tại thành phố.

Nhất trí với ý kiến giải trình của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai là từ các quy định còn chưa thống nhất của các luật liên quan, trong đó có Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, cử tri Lã Hữu Vĩnh bày tỏ tin tưởng, trong thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ sẽ sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, hướng dẫn áp dụng pháp luật trong lĩnh vực đất đai và quản lý tài sản công, áp dụng sớm vào thực tiễn cuộc sống.

Bên cạnh đó, theo cử tri Lã Hữu Vĩnh, cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra trong công tác sử dụng vốn đầu tư công, quản lý sử dụng tài sản công; quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, để nâng cao ý thức pháp luật của các cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã và đang được giao quản lý nhà đất công, góp phần thiết thực đưa đất đai trở thành nguồn lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Xuân Khu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/cu-tri-hien-ke-them-nhung-giai-phap-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-20240529185805970.htm