Cử tri huyện Gò Công Đông và TX. Gò Công kiến nghị nhiều vấn đề còn bất cập

Ngày 5-7, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang gồm các đại biểu Tạ Minh Tâm, Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Thị Uyên Trang đến tiếp xúc cử tri huyện Gò Công Đông và cử tri TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Tại các buổi tiếp xúc, ĐBQH thông tin đến cử tri kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

ĐBQH lắng nghe và ghi nhận ý kiến của cử tri.

Sau 23 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 22-5 đến ngày 10-6-2023; đợt 2 từ ngày 19-6 đến ngày 24-6-2023) với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với kết quả: Thông qua 8 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác; giám sát tối cao chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác…

Tiếp đó, cử tri phản ánh, kiến nghị một số vấn đề còn bức xúc ở địa phương .

LÀM RÕ VIỆC MUA BẢO HIỂM KHI VAY VỐN TẠI NGÂN HÀNG

Tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Gò Công Đông ý kiến về việc người dân vay tiền ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) phải mua bảo hiểm của ngân hàng và khi vay vốn ngân hàng thì các thành viên trong gia đình phải đi công chứng, trong khi một số thành viên trong gia đình đi làm xa nên khó khăn khi làm hồ sơ vay vốn. Cử tri đề nghị ngành Ngân hàng giải thích rõ thêm các vấn đề trên.

Liên quan đến các vấn đề này, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhành tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Nhựt cho biết: Agribank phối hợp Công ty cổ phần Bảo hiểm ngân hàng nông nghiệp (ABIC) triển khai sản phẩm bảo hiểm “Bảo an tín dụng”.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri.

“Bảo an tín dụng” là sản phẩm bảo vệ khách hàng vay và gia đình trước những rủi ro không lường trước bằng việc chi trả bảo hiểm. Việc mua bảo hiểm là hoàn toàn tự nguyện chứ không bắt buộc, mức phí là do ngân hàng cấp trên quy định, người dân thấy khả năng có thể đóng mức phí trên thì tham gia để dự phòng rủi ro cho mình, còn không đủ khả năng thì có thể không tham gia.

Vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Nhựt ghi nhận và sẽ chỉ đạo bộ phận nghiệp vụ trong quá trình tư vấn phải chủ động hướng dẫn, giải thích rõ các thông tin liên quan đến việc mua bảo hiểm cho từng khoản vay (đối tượng, phạm vi bảo hiểm, quyền lợi bảo hiểm...) để người dân nắm bắt, tự nguyện tham gia.

Liên quan đến việc vay vốn ngân hàng yêu cầu phải có công chứng của các thành viên trong gia đình, đồng chí Nguyễn Văn Nhựt cho biết đây là yêu cầu bắt buộc theo quy định pháp luật, đảm bảo việc không tranh chấp tài sản về sau, ngành Ngân hàng phải thực hiện theo quy định. Đồng chí cũng gợi ý, đối với người dân đi làm ăn có thể ra nơi công chứng gần nhất để làm giấy ủy quyền lại cho anh em trong gia đình để làm thủ tục vay ngân hàng.

Cử tri huyện Gò Công Đông phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho biết, thời gian qua thông qua phản ánh của cử tri cũng như các phương tiện truyền thông liên quan đến những bất cập trong bảo hiểm nhân thọ, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận, ban hành nghị quyết của Quốc hội và giao cho Chính phủ khẩn trương xử lý các bất cập liên quan đến vấn đề bán, kéo bảo hiểm nhân thọ khi xét duyệt hồ sơ vay vốn. Đồng thời, tiến hành thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, sử dụng vốn.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn còn cho biết, cơ quan chức năng vừa làm việc với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Hiệp hội này cũng đang triển khai chấn chỉnh lại vấn đề bán bảo hiểm, nhất là kéo bảo hiểm.

KHÓ KHĂN KHI TÍCH HỢP GPLX VÀO CCCD

Cử tri huyện Gò Công Đông ý kiến, thời gian gần đây người dân dù đã tích hợp bảo hiểm y tế (BHYT) vào Căn cước công dân (CCCD) gắn chip nhưng đi khám, chữa bệnh BHYT vẫn bị cơ sở khám, chữa bệnh yêu cầu nộp thẻ BHYT photo gây khó khăn cho nhân dân. Mặt khác, cử tri ý kiến gặp khó khăn trong tích hợp Giấy phép lái xe (GPLX) bìa cứng vào ứng dụng định danh điện tử VNeID dù đã đăng ký xong mức 2. Cử tri kiến nghị ngành chức năng giải thích thêm vấn đề này.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Trưởng Công an huyện Gò Công Đông Nguyễn Quốc Trung cho biết, tài khoản định danh điện tử được tích hợp trên ứng dụng VNeID do Bộ Công an xây dựng, phát triển, quản lý đã có nhiều tính năng, tiện ích gồm: Thông báo lưu trú, tiếp nhận kiến nghị phản ánh an ninh trật tự, ví giấy tờ (hiển thị thông tin các giấy tờ của cá nhân như: GPLX, thẻ BHYT...), thông tin người phụ thuộc... tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện các giao dịch hành chính cũng như khám, chữa bệnh…

Cử tri huyện Gò Công Đông phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Những trường hợp cử tri ý kiến do dữ liệu về GPLX gắn máy bìa cứng (giấy) cấp trước đây chỉ có thông tin về họ tên và năm sinh người lái xe, không có đủ thông tin ngày, tháng sinh và không có thông tin về số Căn cước công dân nên không đồng bộ với dữ liệu cư dân quốc gia. Vì vậy, đối với cử tri có GPLX bằng giấy thì có thể đến Bưu điện để gửi hồ sơ về nơi cấp GPLX để được cấp đổi GPLX loại mới và thực hiện tích hợp trên ứng dụng VNeID.

Liên quan đến việc gặp khó khăn khi đã tích hợp BHYT vào CCCD nhưng khi đi khám, chữa bệnh gặp khó khăn, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Gò Công Đông cho biết, do một số người dân đã tích hợp nhưng khi quét CCCD thì không đồng bộ với hồ sơ khám, chữa bệnh do thẻ bị lỗi nên cơ sở y tế buộc phải yêu cầu người bệnh cung cấp thẻ BHYT để photo nhằm đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh cho người dân. Hiện nay số người dân trên địa bàn huyện thực hiện đăng ký tài khoản định danh điện tử được tích hợp trên ứng dụng VNeID là rất thấp, vì vậy Trung tâm Y tế huyện buộc phải yêu cầu nộp thẻ BHYT.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri huyện Gò Công Đông.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, chủ trương tích hợp các dữ liệu vào CCCD về sau sẽ rất thuận lợi cho người dân, khi chỉ cần mang CCCD thì có thể thực hiện được nhiều giao dịch khác. Tuy nhiên, thời gian đầu triển khai thực hiện việc tích hợp dữ liệu còn gặp một số khó khăn, hoặc bất cập phát sinh, Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận và sẽ có kiến nghị với các ngành liên quan để phối hợp nhịp nhàng hơn trong việc cấp mã định danh cho nhân dân. Đại biểu mong muốn cử tri tiếp tục ủng hộ chủ trương này để hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia chung trong thời gian tới.

GIẢI THÍCH RÕ NGUYÊN NHÂN TĂNG GIÁ ĐIỆN

Cử tri TX. Gò Công có ý kiến về vấn đề công ty điện tăng giá điện và cho rằng ngành Điện báo thua lỗ rồi tăng giá điện, người dân không biết thực tế có lỗ không, đề nghị ngành Điện giải thích cho cử tri được biết vấn đề này.

Trả lời cử tri về vấn đề này, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tiền Giang Nguyễn Điền Khoán cho rằng, ngành Điện là doanh nghiệp nhà nước. Do đó, toàn bộ hoạt động của ngành Điện chịu sự chi phối của Nhà nước, mà cụ thể là Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện các chủ trương, quyết sách liên quan đến ngành Điện. Ở góc độ công ty điện lực địa phương chỉ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên.

Cử tri TX.Gò Công phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Liên quan đến vấn đề ngành Điện thua lỗ và tăng giá điện, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho biết: Ngày 3-3-2023 Bộ Công thương đã công bố chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN.

Qua kiểm tra cho thấy, tổng chi phí sản xuất, kinh doanh điện các năm 2021 là 419.031,8 tỷ đồng, năm 2022 là 493.265,3 tỷ đồng bao gồm chi phí sản xuất, kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành. Theo đó, giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,9 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020; giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lỗ nhưng EVN lỗ chủ yếu do chi phí điện đầu vào cao, nhiều phát sinh tăng lên. Ngoài ra, giá điện cũng chưa được điều chỉnh trong 4 năm qua.

Bản thân EVN đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tuy nhiên trên thế giới, nhiên liệu đầu vào như than, dầu, khí, đặc biệt là giá than tăng hơn 3 lần, có thời điểm tăng 4 - 5 lần. Điều này là nguyên nhân lớn khiến chi phí đầu vào tăng cao. EVN đã thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, cắt giảm đến 30% tổng chi phí sản xuất, tiết kiệm 10 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, EVN cũng tối ưu hệ thống vận hành.

Lãnh đạo Công ty Điện lực Tiền Giang trả lời ý kiến cử tri.

Mặt khác, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên Nhà nước đã không tăng giá một số dịch vụ công để hỗ trợ người dân. Vì vậy sau khi tính toán thì EVN lỗ như vậy nên phải thực hiện việc tăng giá từ ngày 4-5-2023 như cử tri phản ánh.

"Nếu đúng lộ trình, giá điện và giá một số dịch vụ công do Nhà nước quản lý đã tăng trước đó, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Nhà nước không tăng. Nhà nước còn phải xuất ngân sách ra để hỗ trợ miễn, giảm cho người dân. Vì vậy vừa qua sau khi kiểm tra và tình hình lỗ như thế nên EVN tăng giá điện. Ngoài ra, với chức năng nhiệm vụ của mình, EVN phải rà soát cắt giảm chi phí quản lý để làm sao giảm giá thành, giá bán điện, phải quản trị điều hành hiệu quả hơn trong thời gian tới, chứ không phải theo lộ trình là tăng giá điện. Đây là yêu cầu của Quốc hội, của Chính phủ đối với EVN. Mong cử tri thông cảm và chia sẻ cũng Nhà nước" - đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho biết thêm.

THU HOÀI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202307/cu-tri-huyen-go-cong-dong-va-tx-go-cong-kien-nghi-nhieu-van-de-con-bat-cap-983842/