Cử tri miền Trung: Chất vấn và trả lời chất vấn cụ thể, thẳng thắn, sáng tỏ nhiều nội dung

Qua theo dõi kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhiều cử tri tại miền Trung đánh giá cao nội dung chất vấn rõ ràng, có trọng tâm. Thủ tướng và các thành viên Chính phủ cầu thị lắng nghe, trực tiếp giải trình, trả lời thẳng thắn, làm sáng tỏ rất nhiều vấn đề trên các lĩnh vực mà cử tri quan tâm.

Ông Trần Thanh Trình, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Y-Dược Việt Nam - Ảnh: VGP

Ông Trần Thanh Trình, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Y-Dược Việt Nam - Ảnh: VGP

Ông Trần Thanh Trình, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Y-Dược Việt Nam cho rằng, trong phiên chất vấn sáng (8/11), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến, trả lời thẳng thắn, nêu giải pháp đối với nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, như đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, việc phân cấp phân quyền, công tác đối ngoại, đào tạo nghề…

Về đầu tư các dự án giao thông quan trọng, qua theo dõi, ông Trình cho rằng trong thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những vấn đề bất cập, vướng mắc kéo dài để khởi công, triển khai các dự án giao thông trọng điểm, như Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, sân bay Điện Biên, đường Vành đai 3 TPHCM, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và nhiều dự án đường bộ cao tốc.

"Đây là các dự án động lực phát triển hạ tầng giao thông, khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần nâng cao năng lực vận tải xuyên quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Do đó, tôi đồng tình với 5 nhóm giải pháp mà Thủ tướng nêu trong báo cáo giải trình sáng nay: Tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư, hoàn thiện các dự án cao tốc; phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hoàn thành mục tiêu ít nhất có 3.000 km đường bộ cao tốc", ông Trình cho hay.

Về cải cách thể chế, theo ông Trình, trong các diễn đàn, Thủ tướng thường xuyên đề cập và chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực bộ máy. Như Thủ tướng khẳng định, việc phân cấp, phân quyền là quan trọng để phân định rõ hơn trách nhiệm các cấp, phát huy tính năng động, chủ động, sáng tạo của các cấp, ngành.

"Là chủ trương lớn, tôi đề nghị các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, qua đó tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, về thủ tục hành chính; phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp né tránh, không phối hợp, đùn đẩy trách nhiệm, làm chậm, kém hiệu quả...", ông Trình cho hay.

Về công tác đối ngoại, cử tri Trần Thanh Trình cho biết, rất mừng về kết quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế thời gian qua, góp phần quan trọng thu hút nguồn lực, thúc đẩy thương mại, đầu tư và nâng cao vị thế, uy tín đất nước. Đặc biệt, Việt Nam đã và đang tiếp tục nâng cấp quan hệ với các nước, trong đó đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nhiều nước G20.

Cử tri mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục phát huy thành quả đối ngoại, hội nhập trong thời gian qua, huy động sức mạnh, nguồn lực của quốc tế, của kiều bào ở nước ngoài để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Ngoài ra, ông Trình đề nghị, Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, dạy nghề... đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và khoa học công nghệ hiện nay.

Cử tri Nguyễn Thị Thanh Nhuận (phường Nam Dương, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) - Ảnh: VGP

Cử tri Nguyễn Thị Thanh Nhuận (phường Nam Dương, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) - Ảnh: VGP

Cử tri Nguyễn Thị Thanh Nhuận (phường Nam Dương, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) chia sẻ: "Theo dõi kỳ họp và phiên chất vấn những ngày qua, tôi đánh giá phiên chất vấn lần này có nhiều đổi mới, không khí chất vấn và trả lời chất vấn cụ thể, thẳng thắn, cầu thị.

Là cử tri, tôi quan tâm đến tình hình kinh tế-xã hội, sự phát triển của đất nước, do đó từ báo cáo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, tôi đã thấy những nỗ lực của Chính phủ trong năm qua, như: Từ đầu năm 2023, đã 4 lần giảm lãi suất điều hành; triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, 15.000 tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản; tập trung vốn tín dụng cho các động lực tăng trưởng, lĩnh vực ưu tiên…

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đề cập đến những hạn chế, bất cập và đề cập các giải pháp cho thời gian tới. Điều này thể hiện rõ thái độ nghiêm túc, trách nhiệm và cầu thị của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội, cử tri cả nước.

Ngoài ra, tôi cũng quan tâm đến phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về các vấn đề sắp xếp bộ máy hành chính, biên chế, chế độ tiền lương…

Đặc biệt, Bộ trưởng thông tin "đã hoàn thành danh mục vị trí việc làm để chuẩn bị cho cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024", nên tôi rất mong chờ tới thời gian đó sẽ có bước chuyển biến mới về cải cách tiền lương và vị trí việc làm với cán bộ, công chức hiện nay".

Cử tri Bùi Quang Hậu (Trường Cao đẳng Kinh tế kế hoạch) - Ảnh: VGP

Cử tri Bùi Quang Hậu (Trường Cao đẳng Kinh tế kế hoạch) - Ảnh: VGP

Ông Bùi Quang Hậu (Trường Cao đẳng Kinh tế kế hoạch - Đà Nẵng) cho biết, lĩnh vực giáo dục, đào tạo luôn là vấn đề được quan tâm tại các kỳ họp Quốc hội. Tại kỳ họp lần này, các đại biểu đã đề cập về tình trạng thiếu giáo viên.

Theo trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng ta đang thiếu phần lớn giáo viên ở các cấp tiểu học, mầm non, tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Để giải quyết vấn đề này, tôi đề nghị Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những giải pháp cụ thể, đồng bộ về số lượng biên chế. Giáo viên không chỉ tăng số lượng mà cần đồng bộ với chất lượng.

Đặc biệt, tôi cũng đề nghị cần giảm tải những nội dung đào tạo không cần thiết hoặc lặp lại, đưa nội dung có trọng tâm vào giảng dạy, phát triển cả kiến thức, kĩ năng và thể chất học sinh. Từ đó các thế hệ học sinh mới sẵn sàng là nguồn nhân lực chất lượng cao trong nền kinh tế tri thức, kinh tế số như hiện nay.

Về chất lượng giáo dục, tôi mong rằng chúng ta cần có tầm nhìn, chiến lược dài hạn cho giáo dục để xứng đáng là quốc sách hàng đầu của mỗi quốc gia, chứ không phải câu chuyện sai rồi sửa, rồi cải cách liên tục kể cả chương trình sách giáo khoa, hay biên chế, tuyển dụng, tiền lương…

Cử tri Nguyễn Văn Lực (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) - Ảnh: VGP

Cử tri Nguyễn Văn Lực (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) - Ảnh: VGP

Cử tri Nguyễn Văn Lực (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) cho hay, phiên chất vấn lần này có nhiều đổi mới, đó là phiên chất vấn được chia theo nhóm vấn đề là kinh tế tổng hợp, kinh tế ngành, nội chính-tư pháp, văn hóa, giáo dục, y tế…

Cụ thể, nếu như trước đây, phần chất vấn và trả lời được chia theo từng lĩnh vực và chỉ có một bộ trưởng trả lời, thì bây giờ tất cả lĩnh vực đã được đưa ra và chia ra các nhóm vấn đề có mối quan hệ gần nhau. Như vậy, từng vấn đề nêu ra thì không phải chỉ có một bộ trưởng trả lời mà có thể các bộ trưởng khác cùng phối hợp trả lời.

"Như vậy, vấn đề sẽ được xem xét toàn diện nhiều khía cạnh, theo tôi rất phù hợp, vì một vấn đề do nhiều bộ ngành liên quan cùng có trách nhiệm phối hợp thực hiện. Tôi cũng như nhiều cán bộ, công chức, viên chức rất quan tâm đến vấn đề cải cách tiền lương và vị trí việc làm. Qua phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, tôi thấy phần trả lời đã thể hiện tinh thần cầu thị, thông tin trúng và đúng các vấn đề đại biểu nêu ra. Chúng tôi rất mong chờ từ ngày 1/7/2024 sẽ có bước chuyển biến mới về cải cách tiền lương và vị trí việc làm với cán bộ, công chức hiện nay", cử tri Nguyễn Văn Lực bày tỏ.

PV

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/cu-tri-mien-trung-chat-van-va-tra-loi-chat-van-cu-the-thang-than-sang-to-nhieu-noi-dung-102231108172603834.htm