Cử tri mong muốn sớm đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) vào cuộc sống

Trao đổi với đại biểu Quốc hội, các cử tri đã nêu nhiều kiến nghị liên quan đến những vấn đề như: sớm đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua vào cuộc sống; công tác phòng chống tham nhũng; việc sử dụng sim rác để quảng cáo và lừa đảo...

Sáng 5/7, các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội (Đơn vị bầu cử số 1) đã tiếp xúc cử tri 3 quận (Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng) báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu chính tại quận Đống Đa.

Các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội (Đơn vị bầu cử số 1) tiếp xúc cử tri 3 quận (Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng).

Các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội (Đơn vị bầu cử số 1) tiếp xúc cử tri 3 quận (Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng).

Nhiều sáng tạo, cải tiến trong các hoạt động của Quốc hội

Tại cuộc tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội đã báo cáo với cử tri 3 quận về kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đồng thời, các cử tri đánh giá cao việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội khóa XV đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong hoạt động. Các dự án luật, vấn đề quan trọng của đất nước trước khi đưa ra Quốc hội bàn, thảo luận đều được chuẩn bị rất kỹ.

Ngoài ra, cử tri cũng nhận định, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đúng trọng tâm, trọng điểm, có kết quả cao. Hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn rất trúng và đúng trọng tâm, không né tránh. Với các luật được ban hành và sửa đổi, bổ sung vào hệ thống pháp luật sẽ giúp bộ máy Nhà nước vận hành tốt nhất, kinh tế - xã hội phát triển và quốc phòng, an ninh được đảm bảo.

Cử tri và Nhân dân kỳ vọng sau kỳ họp, những quyết sách quan trọng, những Luật có tầm quan trọng lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như đảm bảo an sinh xã hội hay các vấn đề người dân rất quan tâm như cải cách tiền lương, chế độ trợ cấp, lương hưu... sẽ sớm đi vào cuộc sống. Qua đó, sẽ giúp giải quyết các điểm nghẽn và đáp ứng được thực tế phát sinh trong các lĩnh vực, đặc biệt tạo ra động lực để phát triển kinh tế, xã hội, mang lại hạnh phúc cho mọi người…

Cử tri Đinh Quốc Phòng (phường Cát Linh, quận Đống Đa) nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Cử tri Đinh Quốc Phòng (phường Cát Linh, quận Đống Đa) nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề dân sinh bức xúc

Trao đổi với các đại biểu Quốc hội, các cử tri đã nêu nhiều kiến nghị liên quan đến những vấn đề như: sớm đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua vào cuộc sống; công tác phòng chống tham nhũng; việc sử dụng sim rác để quảng cáo và lừa đảo; thu hồi các dự án chậm triển khai; sớm đưa tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội vào hoạt động; tăng cường phòng cháy chữa cháy; xây dựng thêm trường học đáp ứng nhu cầu của người dân…

Cử tri Nguyễn Viết Hiển (phường Phương Mai, quận Đống Đa) nêu, Luật Thủ đô ra đời năm 2012 và bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2013, qua hơn 10 năm thực hiện đã đưa lại những tác động tích cực đối với Thủ đô. Tuy nhiên, trước yêu cầu của thực tiễn cũng như yêu cầu của Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng Thủ đô “văn minh, văn hiến, hiện đại”, Quốc hội đã xem xét, chỉnh sửa, bổ sung nhiều nội dung rất quan trọng, phù hợp thực tiễn đặt ra. Từ đó, cử tri Nguyễn Viết Hiển đề nghị sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để Luật Thủ đô (sửa đổi) được triển khai có hiệu quả.

Nêu vấn đề thời gian qua có nhiều vụ việc liên quan đến hối lộ và nhận hối lộ tại các gói thầu, dự án, cử tri Nguyễn Viết Hiển đề nghị Quốc hội, các cơ quan chức năng sớm có chế tài để kiểm soát được giá của các gói thầu đúng với giá trị thật của dự án.

Cử tri Vương Hữu Phú (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) cho biết, cử tri và người dân Thủ đô Hà Nội rất phấn khởi khi ngày 28/6 Quốc hội đã biểu quyết thông qua luật Thủ Đô (sửa đổi) gắn với quy hoạch Thủ đô từ 2021 đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Cử chi mong muốn những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội của Luật Thủ Đô (sửa đổi) lần này tạo ra động lực, điểm tựa để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, để Hà Nội sớm "cất cánh" trong giai đoạn mới, xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.

Về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, cử tri Vương Hữu Phú đề nghị Đảng, Quốc hội tiếp tục có chế tài nghiêm hơn, quyết liệt hơn để thu hồi tài sản, tiền của Nhà nước và Nhân dân.

Quang cảnh buổi tiếp xúc tại điểm cầu quận Đống Đa.

Quang cảnh buổi tiếp xúc tại điểm cầu quận Đống Đa.

Trong khi đó, cử tri Nguyễn Thị Thanh (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) cho biết, việc sử dụng sim rác để quảng cáo, lừa đảo, quấy rầy cuộc sống hàng ngày của người dân đã và đang ngày càng trở thành nỗi bức xúc lớn của người dân. Từ đó, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục xem xét các luật, quy định có liên quan đến quản lý, ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng sim rác, mạng xã hội, phương tiện truyền thông để quấy rối, lừa đảo người dân. Đề nghị Bộ TT&TT tăng cường quản lý, xử lý việc sử dụng sim rác; Bộ Công an tăng cường xử lý các vi phạm pháp luật trên môi trường điện tử để đảm bảo cuộc sống bình yên, an toàn cho người dân.

Cử tri Đinh Quốc Phòng (phường Cát Linh, quận Đống Đa) đề nghị các cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn TP Hà Nội rà soát lại các dự án đầu tư chậm triển khai, thu hồi, giao cho các nhà đầu tư khác có năng lực hơn. Đồng thời, tập trung kinh phí, nguồn lực thực hiện để sớm đưa tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội vào hoạt động khi đã nhiều lần lỗi hẹn với Nhân dân Thủ đô…

Thay mặt các đại biểu Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt ghi nhận và tiếp thu đầy đủ các ý kiến cử tri nêu để báo cáo với Quốc hội, nêu ý kiến tại nghị trường cũng như đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời để báo cáo lại với cử tri. Đồng thời mong muốn cử tri và Nhân dân Thủ đô tiếp tục đoàn kết, tích cực đóng góp xây dựng Hà Nội xứng đáng là Thủ đô của Việt Nam anh hùng và truyền thống nghìn năm lịch sử.

Trần Long

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cu-tri-mong-muon-som-dua-luat-thu-do-sua-doi-vao-cuoc-song.html