Cử tri Thái Lan lần đầu tiên có thể đăng ký bỏ phiếu qua Internet
Ủy ban Bầu cử (EC) của Thái Lan đã cho phép những cử tri không thể bỏ phiếu trực tiếp vào ngày 14/5 bỏ phiếu qua Internet (i-voting). Đây là lần đầu tiên cử tri Thái Lan có thể đăng ký và thực hiện bỏ phiếu qua Internet.
Theo các cố vấn, việc cho phép các công dân đủ điều kiện đăng ký bỏ phiếu trực tuyến trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới là một khởi đầu tốt khi Thái Lan hướng tới chính phủ điện tử. Hệ thống đăng ký này áp dụng cho những cử tri không thể bỏ phiếu vào ngày bầu cử, những người sống bên ngoài khu vực bầu cử đã đăng ký và người Thái sống ở nước ngoài.
Để đủ điều kiện, cử tri phải là công dân Thái Lan từ 18 tuổi trở lên vào ngày bầu cử, người Thái nhập tịch phải có quốc tịch ít nhất 5 năm. Bỏ phiếu vắng mặt tại khu vực bầu cử nơi cư trú phải được đăng ký ít nhất 20 ngày trước ngày bầu cử. Những người muốn bỏ phiếu vắng mặt bên ngoài khu vực bầu cử phải đăng ký ít nhất 30 ngày trước ngày bầu cử.
Phó phát ngôn viên chính phủ Rachada Dhnadirek cho biết, đối với cuộc bầu cử sắp tới, Bộ Ngoại giao đang chuẩn bị hệ thống giám sát bỏ phiếu ở nước ngoài để theo dõi các lá phiếu do người Thái ở nước ngoài bỏ cho đến khi chúng được gửi đến Thái Lan. Hệ thống giám sát này sẽ giúp ngăn chặn vấn đề bỏ sót phiếu bầu vắng mặt được gửi từ nước ngoài, như đã từng xảy ra trong cuộc bầu cử năm 2019.
Trước đó, trong thời gian từ ngày 25/3-9/4 vừa qua, đã có 2.350.969 cử tri Thái Lan đăng ký bỏ phiếu sớm. Bỏ phiếu trước sẽ diễn ra vào ngày 7/5, một tuần trước cuộc tổng tuyển cử.
Trên thế giới, Estonia, một quốc gia nhỏ ở châu Âu với dân số 1,3 triệu người, là nước đầu tiên triển khai hệ thống i-voting và đã sử dụng hệ thống này từ năm 2005. Hệ thống i-vtoing hiện đã trở nên phổ biến hơn tại Estonia với nhiều người sử dụng hơn để thực hiện quyền công dân. Cụ thể, trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 3/2023, Estonia ghi nhận tỷ lệ bỏ phiếu qua Internet chiếm 51% số cử tri đủ điều kiện, cao hơn so với tỷ lệ 44% số cử tri chọn hình thức này tại cuộc bầu cử năm 2019. Cố vấn chuyển đổi số tại Trung tâm Hướng dẫn e-Estonia Carmen Raal cho biết, quy trình i-voting thuận tiện hơn cho cử tri, đặc biệt là những người sống ở vùng nông thôn hoặc nước ngoài, và có thể giảm chi phí vận hành. Hệ thống i-voting có thể cải thiện tính minh bạch và giải quyết gian lận bầu cử.