Cử tri tin tưởng vào cuộc cách mạng 'sắp xếp lại giang sơn' dưới sự dẫn dắt của Tổng Bí thư Tô Lâm

Cử tri bày tỏ sự vui mừng, tin tưởng vào cuộc cách mạng 'sắp xếp lại giang sơn' mà Đảng, Nhà nước đang tiến hành dưới sự dẫn dắt, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Chiều 2-7, Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 1 của TP Hà Nội đã có buổi tiếp xúc cử tri các phường Đống Đa, Kim Liên, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Láng, Ô Chợ Dừa, Ba Đình, Ngọc Hà, Giảng Võ, Hai Bà Trưng, Vĩnh Tuy và Bạch Mai.

Cử tri tin tưởng vào cách mạng tinh gọn bộ máy

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ niềm vui, sự tin tưởng vào cuộc cách mạng “sắp xếp lại giang sơn” mà Đảng, Nhà nước đang tiến hành dưới sự dẫn dắt, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

 Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 1 của TP Hà Nội đã có buổi tiếp xúc cử tri các phường Đống Đa, Kim Liên, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Láng, Ô Chợ Dừa, Ba Đình, Ngọc Hà, Giảng Võ, Hai Bà Trưng, Vĩnh Tuy và Bạch Mai. Ảnh: CTV

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 1 của TP Hà Nội đã có buổi tiếp xúc cử tri các phường Đống Đa, Kim Liên, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Láng, Ô Chợ Dừa, Ba Đình, Ngọc Hà, Giảng Võ, Hai Bà Trưng, Vĩnh Tuy và Bạch Mai. Ảnh: CTV

Cử tri Đoàn Mai (82 tuổi, phường Đống Đa) chia sẻ bà đặc biệt ấn tượng với lời của Tổng Bí thư khi ví việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính là “sắp xếp lại giang sơn”. “Cách nói ấy sâu sắc, gợi mở và chứa đựng tầm nhìn chiến lược. Chúng tôi cảm nhận được tinh thần trách nhiệm, sự quyết liệt và đồng thời cũng rất gần gũi, thân tình từ người đứng đầu Đảng”, bà Mai nói.

Cử tri Mai cũng kiến nghị, cùng với việc tinh gọn bộ máy, cần có giải pháp hợp lý để tận dụng cơ sở vật chất cũ, tránh lãng phí trụ sở sau sắp xếp. “Những không gian này có thể được chuyển đổi thành nơi sinh hoạt cộng đồng, thư viện, nhà văn hóa, khu vui chơi hoặc trung tâm phục vụ hành chính công – phục vụ thiết thực đời sống nhân dân”, bà đề nghị.

 Nhiều cử tri bày tỏ sự tin tưởng vào cuộc cách mạng “sắp xếp lại giang sơn” mà Đảng, Nhà nước đang tiến hành dưới sự dẫn dắt, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: CTV

Nhiều cử tri bày tỏ sự tin tưởng vào cuộc cách mạng “sắp xếp lại giang sơn” mà Đảng, Nhà nước đang tiến hành dưới sự dẫn dắt, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, cử tri cũng kiến nghị trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy TP Hà Nội cũng như các tỉnh thành cần có chính sách sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có. Đồng thời, cần quan tâm đến vấn đề số hóa, đảm bảo công nghệ không trở thành rào cản với người dân vùng sâu, vùng xa hoặc người lớn tuổi.

 Đông đảo cử tri bày tỏ sự vui mừng, tin tưởng với cuộc cách mạng “sắp xếp lại giang sơn” mà Đảng, Nhà nước đang tiến hành. Ảnh: CTV

Đông đảo cử tri bày tỏ sự vui mừng, tin tưởng với cuộc cách mạng “sắp xếp lại giang sơn” mà Đảng, Nhà nước đang tiến hành. Ảnh: CTV

“Ban đầu, người dân có nhiều băn khoăn như: Giấy tờ cá nhân có phải thay đổi không? Thủ tục hành chính có bị gián đoạn hay gây phiền hà không? Chế độ, chính sách có bị ảnh hưởng? Tuy nhiên, đến nay, dưới sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương và TP Hà Nội, các nội dung đã được thông tin rõ ràng, minh bạch, giúp người dân yên tâm”, cử tri Tâm nói.

Theo bà, hiện nay cơ quan nhà nước đã thông báo một số nội dung giúp người dân yên tâm như: giấy tờ cá nhân vẫn giữ nguyên, người dân không phải thay đổi hay tốn chi phí; Thủ tục hành chính được bảo đảm thông suốt, không để xảy ra tình trạng gián đoạn; An sinh xã hội tiếp tục được quan tâm và phải thực hiện tốt hơn trước – đúng với tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước: “Không để ai bị bỏ lại phía sau.”

Còn cử tri Hoàng Tuyên (phường Ngọc Hà) đề cập đến một vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội hiện nay là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, an toàn và quyền lợi người tiêu dùng. Đây thực sự là “kẻ thù không tiếng súng”, từng ngày tàn phá cuộc sống của người dân và làm suy giảm niềm tin vào thị trường.

“Tôi kiến nghị Trung ương, Quốc hội và các cơ quan chức năng tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Đồng thời, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng để ngăn chặn tận gốc vấn nạn này”, ông đề nghị.

Cử tri cũng đề xuất đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong lựa chọn tiêu dùng, khuyến khích tố giác các hành vi vi phạm. Công tác kiểm soát thị trường, nhất là tại các cửa khẩu, cần được siết chặt hơn nữa nhằm bảo vệ sức khỏe và quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Nhân dân đồng thuận thì Nghị quyết mới vào cuộc sống

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ ông rất vui mừng khi thấy sự quan tâm, chia sẻ, đồng thuận và động viên từ cử tri với các chủ trương, chính sách mà Đảng, Nhà nước triển khai trong thời gian qua.

“Chỉ khi nào nhân dân quan tâm, đồng thuận thì chủ trương, chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống, đi vào thực tiễn. Nếu không, tất cả chỉ nằm trên giấy tờ”, ông nói.

Giải đáp ý kiến cử tri nêu về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, Tổng Bí thư nhấn mạnh đây không phải công việc mới triển khai mà đã được đề cập trong nhiều kỳ Đại hội Đảng. Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã chỉ rõ bộ máy hiện nay còn cồng kềnh, hoạt động chưa hiệu quả, cần tinh gọn.

 Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.

Tuy nhiên, việc sắp xếp phải thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân. Trước hết, Đảng phải đi đầu trong việc sắp xếp tổ chức. Lần đầu tiên, hệ thống tổ chức Đảng được kiện toàn, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.

Trước đây, Chính phủ chỉ có Ban Cán sự Đảng, Quốc hội có Đảng đoàn. Nay đã có tổ chức Đảng lãnh đạo thống nhất ở tất cả các cơ quan – từ Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận, đến các đoàn thể quần chúng. Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc làm tốt công tác dân vận, tập hợp sức mạnh toàn dân, từ các cụ phụ lão đến thanh niên, phụ nữ, công nhân, công đoàn…

Theo Tổng Bí thư, việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội cho thấy cấp phường không có HĐND là điều bất hợp lý, vì thiếu cơ chế giám sát và tiếng nói của nhân dân.

“Nay đã chấm dứt giai đoạn thử nghiệm, khôi phục HĐND ở cấp phường, đảm bảo tiếng nói của dân được lắng nghe, thể hiện đúng tinh thần “ý Đảng, lòng dân”, Tổng Bí thư nói.

 Tổng Bí thư Tô Lâm.

Tổng Bí thư Tô Lâm.

Về sắp xếp lại trụ sở, cơ sở vật chất, Tổng Bí thư nhấn mạnh “phải tính toán kỹ lưỡng để sử dụng hiệu quả” vì đất đai ở Hà Nội, cũng như các tỉnh rất hạn chế. Trong khi đó, còn nhiều nhu cầu cấp thiết chưa được đáp ứng như trường học, trạm y tế, nơi sinh hoạt cộng đồng, câu lạc bộ cho người cao tuổi, khu vui chơi cho thiếu nhi…

Tổng Bí thư cho rằng không thể để người dân sinh hoạt tạm bợ, “không có chỗ họp chi bộ hay sinh hoạt đoàn thể”, nơi học tập, cơ sở khám chữa bệnh… “Các trụ sở sau sắp xếp cần được sử dụng vào mục đích công cộng, không để lãng phí hay bị tư nhân hóa”, Tổng Bí thư gợi mở.

Về băn khoăn công việc quá tải khi địa bàn mở rộng, hoặc thiếu cán bộ, Tổng Bí thư nhấn bộ máy vẫn đang vận hành, vấn đề hiện nay là sắp xếp lại cho hợp lý. “Ở Hà Nội, TP.HCM, nhiều cán bộ giỏi đã được điều động về cơ sở. Trong đó, có đồng chí Phó Chủ tịch quận làm Chủ tịch phường, cán bộ Sở, Ban, ngành làm Bí thư phường. Nhiều người trẻ, khỏe, năng động, được nhân dân tin tưởng và ủng hộ”, Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh hàng giả, thuốc giả, thực phẩm giả là kẻ thù nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân, đến tương lai trẻ em và người cao tuổi. “Cần xử lý nghiêm, triệt để, không khoan nhượng. Phải tuyên chiến với hàng kém chất lượng, không để sự vô cảm lấn át đạo đức công vụ”, ông nói.

Về giáo dục, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần đảm bảo mọi trẻ em 6 tuổi được đến trường vì đây là quyền được Hiến pháp ghi nhận. Phường, xã phải nắm chắc số lượng học sinh lớp 1 mỗi năm, đảm bảo có đủ trường, đủ giáo viên, không để tình trạng 50–60 học sinh một lớp.

Với vùng biên giới, cần xây dựng trường bán trú để học sinh có thể học cả tuần, có chỗ ở cho các em và giáo viên. Có chính sách để giáo viên yên tâm công tác, xây dựng gia đình.

Y tế cũng phải chuyển từ bị động sang chủ động. Phải có hồ sơ sức khỏe điện tử, nắm được người bệnh tim, cao huyết áp… để chủ động bố trí bác sĩ, thuốc men. Y tế cơ sở cần gần dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

“Bài học lớn nhất là sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận của nhân dân. Những việc khó khăn nhất cũng có thể hoàn thành nếu có đồng lòng. Trong thời gian qua, nhiều quyết sách quan trọng được Quốc hội, Chính phủ thông qua với sự đồng thuận rất cao, đây chính là thành quả của sự thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động từ trên xuống dưới”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Trọng Phú

Nguồn PLO: https://plo.vn/cu-tri-tin-tuong-vao-cuoc-cach-mang-sap-xep-lai-giang-son-duoi-su-dan-dat-cua-tong-bi-thu-to-lam-post858442.html