Tổng Bí thư: Có chính sách đãi ngộ đặc biệt thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo, cần có chính sách đãi ngộ đặc biệt (vượt khung lương, nhà ở, môi trường làm việc) để thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vừa ban hành Thông báo số 05 về kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm – Trưởng Ban Chỉ đạo tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Theo đó, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu người đứng đầu các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, có quyết tâm chính trị cao, kiên quyết, kiên trì, kiên định, làm bằng được để củng cố niềm tin của toàn xã hội; tập trung chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ đã quá hạn.

Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu tại hội nghị, ngày 2/7. Ảnh: PV.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, cần tổ chức truyền thông sâu rộng về các nội dung đột phá của Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp Công nghệ số, đặc biệt là cơ chế chấp nhận rủi ro và thương mại hóa; vai trò của nền tảng dữ liệu trong việc thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện; đổi mới trong dịch vụ công, ứng dụng công nghệ số; công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tài, tài sản số… nhằm củng cố niềm tin trong cộng đồng các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân.
Về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Tổng Bí thư yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng tiêu chí, quy chế quản lý, chế độ làm việc, đãi ngộ và quy trình tuyển dụng Tổng công trình sư, Kiến trúc sư trưởng để triển khai các hệ thống chiến lược, các sáng kiến đột phá theo Kế hoạch hành động chiến lược. Báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương cho ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 7/2025.
Theo yêu cầu của Tổng Bí thư, các bộ, cơ quan chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tập trung việc rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm mục tiêu trong năm 2025 tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn về pháp luật theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị. Đối với những vấn đề vướng mắc trong khi chưa thể chế hóa được bởi các luật, để tháo gỡ, các bộ, cơ quan nghiên cứu, xây dựng nghị quyết trình Chính phủ xem xét, ban hành.
“Các bộ, cơ quan chủ động tìm kiếm, phát hiện và đề xuất các ứng viên tiềm năng cho các vị trí Tổng công trình sư, Kiến trúc sư trưởng, bao gồm các chuyên gia hàng đầu trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia quốc tế có uy tín. Mục tiêu là phải hình thành được cơ chế và tìm kiếm được những cá nhân thực sự xuất sắc, có đủ đức, đủ tài, đủ uy tín và trao cho họ đủ thẩm quyền, nguồn lực để quy tụ lực lượng, dẫn dắt và chịu trách nhiệm cao nhất về sự thành công của các chương trình, nhiệm vụ chiến lược quốc gia (như Việt Nam đã có: Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Lương Đình Của, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu…)”, kết luận nêu.
Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, chuyên gia, tổ chức nghiên cứu, lựa chọn để đề xuất danh mục gồm 1 đến 3 lĩnh vực hoặc sản phẩm công nghệ chiến lược cần ưu tiên triển khai ngay, nhằm hiện thực hóa các sáng kiến đột phá trên cơ sở Danh mục Công nghệ chiến lược. Nhiệm vụ này cần được hoàn thành và báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo trong tháng 7/2025.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp triển khai các sản phẩm nghiên cứu trong các viện nghiên cứu, trường đại học; thiết kế các chương trình kết nối thực chất giữa nhà khoa học và doanh nghiệp giúp thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ. Nghiên cứu đề xuất xây dựng, phát triển mô hình Đại học công nghệ thế hệ mới (được tổ chức theo tư duy tích hợp giữa giáo dục – nghiên cứu – đổi mới sáng tạo, có định hướng công nghệ cao và kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, thị trường, cũng như các chiến lược quốc gia).
“Xây dựng phương án tổ chức, sắp xếp lại các tổ chức khoa học và công nghệ, đầu tư phát triển các tổ chức nghiên cứu mạnh. Hoàn thành trong tháng 8/2025”, kết luận nêu.
Đáng chú ý, theo kết luận, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ tài chính, Bộ Ngoại giao và các doanh nghiệp lớn liên quan thành lập Tổ công tác liên ngành hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm, đàm phán và mua lại các công ty công nghệ nước ngoài có sở hữu trí tuệ, bí quyết công nghệ quan trọng để thúc đẩy sở hữu công nghệ lõi. Hoàn thành việc thành lập Tổ công tác và ban hành quy chế hoạt động trong tháng 8/2025.
Về bảo đảm nguồn nhân lực, theo kết luận của Tổng Bí thư, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao khẩn trương xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhân tài khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong và ngoài nước, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ mũi nhọn (trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, vật liệu mới…); có chính sách đãi ngộ đặc biệt (vượt khung lương, nhà ở, môi trường làm việc) để thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc.
Trong số các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số, Tổng Bí thư yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, nhất là các nhiệm vụ tại Kế hoạch 02 của Ban Chỉ đạo về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là các nhiệm vụ theo lộ trình giai đoạn từ 1/7/2025 đến hết tháng 12/2025.
Bộ Công an được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Ban Chỉ đạo các cơ chế vượt trội, đột phá về quản trị dữ liệu quốc gia theo nguyên tắc dữ liệu cần đúng – đủ - sạch – sống – kết nối thông suốt để khai thác hiệu quả, tạo ra giá trị cụ thể, đo lường được; cần có cách làm mới về quản trị dữ liệu để bảo đảm đáp ứng đúng lộ trình đặt ra, kể cả nếu cần thiết phải bỏ đi những cơ sở dữ liệu không đúng để làm lại, tránh kéo dài cách làm cũ gây lãng phí, mất cơ hội.