Cử tri TP.Hải Phòng: Thêm cơ chế, chính sách để thúc đẩy kinh tế biển
Hôm nay (25/9), Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng tiếp xúc cử tri chuẩn bị kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV. Nhiều ý kiến của cử tri thành phố Hải Phòng được gửi tới các Đại biểu Quốc hội, đặc biệt liên quan đến khắc phục hậu quả sau bão số 3; các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế biển…
Các ý kiến của cử tri thành phố Hải Phòng đều nhất trí với các dự thảo, dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến hoặc thông qua tại kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV; đồng thời đánh giá cao hoạt động của đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Hải Phòng trong thời gian qua. Cử tri TP. Hải Phòng cũng tham gia ý kiến liên quan đến Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; công tác quản lý đất đai, vấn đề rác thải sinh hoạt và bảo vệ môi trường; đề nghị sớm sửa Luật Phòng cháy chữa cháy để tạo điều kiện cho các cơ sở thực hiện thuận lợi, giảm chi phí đầu tư…
Đặc biệt, cử tri các địa bàn hải đảo của Hải Phòng, như: huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cát Hải mong muốn có thêm các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm sớm xây dựng Hải Phòng thành trung tâm kinh tế biển hiện đại. Cử tri Cát Hải đề nghị Quốc hội có ý kiến với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108 ngày 14/9/2020 cho phép huyện Cát Hải được áp dụng số lượng cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân huyện là 12 cơ quan chuyên môn như thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Cử tri Bạch Long Vỹ kiến nghị Trung ương và TP. Hải Phòng quan tâm đầu tư, nâng cấp Trạm tìm kiếm cứu nạn Bạch Long Vỹ; đầu tư nguồn lực hỗ trợ huyện đảo khắc phục hậu quả bão số 3, nhất là tại công trình cảng và khu neo đậu tàu Tây Bắc đảo Bạch Long Vỹ.
“Để đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà, đề nghị Trung ương quan tâm, xem xét có cơ chế chính sách đặc thù về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng kém hiệu quả, diện tích mặt nước ven biển để đầu tư hạ tầng và phát triển du lịch. Về đảo Cát Hải, đề nghị Trung ương quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bến còn lại của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; đồng thời, có những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đầu tư, kinh doanh dịch vụ logistics để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp dịch vụ nước ngoài”, ông Đoàn Thế Trung, Phó phòng Tài chính Kế hoạch huyện Cát Hải nêu ý kiến.
Tiếp xúc cử tri huyện Cát Hải và Bạch Long Vỹ, ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng, đại diện Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng chia sẻ những thiệt hại của các địa phương trong địa bàn thành phố, đặc biệt là hai huyện đảo trong cơn bão số 3 vừa qua, cũng như sự cố gắng, nỗ lực, đồng lòng của cán bộ, nhân dân trong khắc phục thiệt hại, phục hồi kinh tế - xã hội. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng cho biết, 8 tháng đầu năm, thành phố có nhiều chỉ tiêu đạt kết quả cao, như: thu ngân sách, thu hút đầu tư nước ngoài, tình hình an ninh quốc phòng ổn định… Tuy nhiên, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố còn đạt thấp; lượng hàng qua cảng tăng nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra; dịch bệnh sốt xuất huyết xuất hiện và lan rộng tại nhiều quận huyện trên địa bàn thành phố.
Đối với các ý kiến kiến nghị của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng sẽ tiếp thu đầy đủ, tổng hợp và báo cáo tại kỳ họp Quốc hội tới. Về kiến nghị của cử tri Cát Hải và Bạch Long Vỹ liên quan cơ chế, chính sách đặc thù dành cho các địa bàn hải đảo.
“Đối với ý kiến cử tri Cát Hải đề xuất thể được áp dụng cơ chế chuyên môn như là Phú Quốc, Kiên Giang, chúng tôi xin tiếp thu và không đề xuất riêng mà sẽ tổng hợp lại, đề xuất Ban Thường vụ Quốc hội về cơ chế đặc thù. Ý kiến của cử tri tham gia đề nghị cơ chế hỗ trợ đặc thù cho người lao động ở các hải đảo, vùng núi, đây là ý kiến chính đáng; chúng tôi xin được tổng hợp và đưa vào, làm sao để phù hợp với ý kiến của cử tri thành phố Hải Phòng và cũng là chung của cả nước”, ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng cho biết.