Cử tri và nhân dân đánh giá cao chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Sắp xếp bộ máy theo tinh thần 'người đi theo việc', sau khi sắp xếp, bộ máy phải gọn nhẹ hơn, chi tiêu ít hơn, hoạt động hiệu quả hơn trước – đó là yêu cầu mà thực tiễn đang đặt ra. Việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy đang được dư luận, cử tri quan tâm trong những ngày qua.
Theo các chuyên gia, đây là việc khó nhưng không thể không làm; khi đã có sự đồng thuận của hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, sự tâm huyết, kiên định để tiến hành cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy thì đó sẽ là cơ sở cho việc khơi dậy nguồn lực để đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới. Cần có chính sách vượt trội để giữ cán bộ tốt và quan tâm chế độ cho người lao động trong diện tinh giản
Trong hai ngày 10 và 11/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên họp thứ 40. Trong đó, có nội dung xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11/2024. Theo Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Anh Công: Cử tri và Nhân dân đánh giá cao chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết của tình hình thực tiễn, cử tri và nhân dân kỳ vọng việc thực hiện chủ trương trên sẽ tạo sinh lực mới cho nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, tạo đòn bẩy để bứt phá, hoàn thành toàn bộ các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Đồng thời, cử tri và nhân dân mong muốn khi thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cần quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Nêu ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, dù cử tri và nhân dân đồng tình, song cần tuyên truyền tốt hơn nữa về chủ trương tinh gọn bộ máy. Bởi, khi sắp xếp sẽ liên quan, đụng chạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người này, người kia. Nếu không quan tâm đến công tác tuyên truyền, khi thực hiện phát sinh những việc ngoài dự tính sẽ khó thực hiện thắng lợi chủ trương này.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần làm tốt hơn, sâu sắc hơn nữa, tạo đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, cử tri và nhân dân cả nước liên quan việc thực hiện các chủ trương mới. Trong đó, có việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, một nội dung rất quan trọng là xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, tạo thuận lợi cho đội ngũ cán bộ nằm trong diện sắp xếp, tinh giản biên chế; đồng thời, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trước đây, khi thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế cũng có một phần rất quan trọng là chế độ, chính sách. Trong bối cảnh hiện nay với quy mô nền kinh tế và ngân sách đã lớn hơn rất nhiều so với những năm trước đây, chúng ta càng có điều kiện để quan tâm chăm lo chính sách cho người lao động.
Nhấn mạnh việc sắp xếp ngoài mục tiêu tinh giản bộ máy để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, những người trong diện sắp xếp cũng là người dân, là cán bộ nên việc quan tâm đời sống của những người này cũng chính là mục tiêu phấn đấu cho đất nước phát triển, người dân được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo công tác dân nguyện bổ sung nội dung cần có cơ chế, chính sách hợp lý, thậm chí phải có cơ chế thật mạnh và vượt trội so với trước đây để khuyến khích những người còn 2-3-4 năm có thể sẵn sàng nghỉ để cho cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản ở lại trong hệ thống.
Tinh giản phải gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ
Bộ Nội vụ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc định hướng xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính. Bộ Nội vụ nêu 5 nguyên tắc trong việc sắp xếp bộ máy. Trong đó, đáng lưu ý, việc sắp xếp, bố trí cán bộ phải được thực hiện nghiêm túc, thận trọng, khoa học, chặt chẽ; quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Chính phủ và quy định của bộ, ngành, địa phương, bảo đảm sau 5 năm phải hoàn thành việc sắp xếp đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư…
Nhìn nhận về vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: “Vừa qua, tôi rất tâm đắc với bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về chủ đề “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Tổng Bí thư nêu vấn đề rất rành mạch, rất cụ thể, phân tích rõ thực trạng cồng kềnh, thiếu tinh gọn trong bộ máy nhà nước thời gian qua; đồng thời nêu ra những giải pháp căn cơ để đảm bảo tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới”.
Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đều thực hiện tốt, tinh giản 10% biên chế sự nghiệp công lập. Tuy vậy, việc thực hiện tinh giản này ở một số nơi, một số cơ quan, đơn vị vẫn mang tính chất cào bằng, quy định từ trên xuống dưới đều áp dụng chung, các cơ quan, tổ chức, đơn vị nào cũng tinh giản 10%, mà không tính tới ở cấp xã chỉ có một người làm một nhiệm vụ thì không thể tinh giản được. Hay ở cấp phòng, ban của cấp huyện có ba người, nếu tinh giản còn 2 người không đủ thực hiện nhiệm vụ; điều này xảy ra tương tự ở các cấp sở, ngành.
“Do đó, tôi nghĩ rằng, tinh giản trong thời gian qua thực hiện Nghị quyết của Trung ương là đúng, nhưng tinh giản theo kiểu cào bằng là chưa hợp tình, hợp lý. Vậy nên, Tổng Bí thư nêu vấn đề tinh giản biên chế mới tập trung giảm số lượng, chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Do vậy, tinh giản bộ máy, tổ chức, biên chế từ Trung ương là cần thiết… Tôi tin rằng, với sự đồng thuận của hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, thời gian tới, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương sẽ khẩn trương vào cuộc thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, tạo tiền đề để đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới”, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa bày tỏ tin tưởng.
Thượng tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tướng Hiệu nhấn mạnh: “Đây là chủ trương lớn của Đảng đã có từ trước, tuy nhiên, thời điểm này đã chín muồi, chúng ta phải quyết tâm, làm quyết liệt trong cả hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, mạnh. Một bộ máy cồng kềnh thì sẽ kìm hãm sự phát triển. Việc tinh gọn là đòi hỏi tất yếu khách quan của lịch sử. Bộ máy có tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì mới tạo đà để đất nước cất cánh, tự tin bước vào Kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, cũng cần quan tâm đến chính sách, chế độ, bảo đảm an sinh cho người lao động dôi dư, tạo điều kiện, bảo đảm cho những người đó vẫn có thể tham gia đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước”.