Cứ tưởng trà xanh uống càng nhiều càng tốt nhưng sự thật có thể khiến mọi người ngỡ ngàng
Trà xanh từ lâu được xem là một trong những thức uống lành mạnh và giàu giá trị dinh dưỡng nhất.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, trà xanh chứa hàm lượng cao các chất chống oxy hóa, trong đó nổi bật là EGCG (Epigallocatechin Gallate) – hoạt chất giúp giảm viêm, chống lão hóa, hỗ trợ chuyển hóa và được xem là có tiềm năng trong phòng ngừa nhiều bệnh mạn tính, thậm chí cả ung thư.
Tuy nhiên, như bất kỳ loại thực phẩm nào khác, trà xanh chỉ phát huy hiệu quả khi được sử dụng đúng cách và đúng liều lượng. Việc uống quá nhiều trà xanh, hoặc dùng sai thời điểm, có thể mang đến những tác dụng ngược, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.

Trà xanh chứa hàm lượng cao các chất chống oxy hóa.
Theo các chuyên gia, một người trưởng thành khỏe mạnh nên tiêu thụ khoảng 250–500mg EGCG mỗi ngày. Trong khi đó, 1 gram trà xanh khô chứa trung bình từ 50–100mg EGCG. Như vậy, lượng trà an toàn mỗi ngày tương đương 3–5 gram, tức khoảng 2 đến 4 tách trà tùy độ đặc. Uống trong khoảng liều này không những giúp thanh lọc cơ thể mà còn hỗ trợ điều hòa huyết áp, cải thiện tuần hoàn và tăng cường miễn dịch.
Mặc dù vậy, không phải ai cũng nên sử dụng trà xanh thường xuyên. Những người nhạy cảm với caffeine có thể gặp phải tình trạng mất ngủ, hồi hộp hoặc đánh trống ngực nếu uống trà xanh đặc hoặc quá gần giờ đi ngủ. Với những người có tiền sử rối loạn nhịp tim hoặc bệnh tim mạch, việc sử dụng các chế phẩm chứa caffeine, bao gồm cả trà xanh, cần được cân nhắc kỹ lưỡng và tốt nhất nên có sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
Một lưu ý quan trọng khác là người đang bị thiếu máu do thiếu sắt nên hạn chế uống trà xanh, đặc biệt là trong hoặc ngay sau bữa ăn. Các catechin trong trà có thể cản trở quá trình hấp thu sắt từ thực phẩm, nhất là sắt có nguồn gốc thực vật. Nếu sử dụng trà xanh trong khi đang bổ sung sắt, nên uống cách xa ít nhất một đến hai giờ để tránh tương tác.

Không phải ai cũng nên sử dụng trà xanh thường xuyên.
Ngoài ra, một số nghiên cứu quốc tế cũng chỉ ra rằng việc tiêu thụ quá nhiều EGCG, đặc biệt dưới dạng chiết xuất đậm đặc có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan. Ngưỡng an toàn khuyến cáo là không vượt quá 800mg EGCG mỗi ngày, nếu sử dụng dạng viên uống hoặc trà đặc.
Thời điểm uống trà cũng đóng vai trò quan trọng. Tốt nhất, bạn nên uống sau bữa ăn khoảng 1–2 giờ. Uống trà khi bụng đói có thể gây cảm giác cồn cào, buồn nôn hoặc ảnh hưởng đến dạ dày. Nước trà không nên quá nóng để tránh làm tổn thương niêm mạc miệng và thực quản. Bên cạnh đó, trà nên được pha loãng vừa phải, tránh để quá đặc vì sẽ khiến hàm lượng caffein và catechin tăng cao.
Trà xanh là món quà tuyệt vời từ thiên nhiên, nhưng như một nguyên tắc muôn thuở: chất không độc, liều mới gây độc. Việc sử dụng đúng cách sẽ giúp bạn tận dụng được những lợi ích quý giá mà trà xanh mang lại, đồng thời bảo vệ cơ thể khỏi những rủi ro không mong muốn.