'Cú xoay mình' của lọc dầu Mỹ trước khủng hoảng nguồn cung Venezuela - Mexico

Theo dữ liệu theo dõi tàu, các nhà máy lọc dầu ở Bờ Vịnh Mỹ đang mua nhiều dầu thô từ Trung Đông và Nam Mỹ hơn, để bù đắp cho lượng dầu thô mất đi từ Venezuela và Mexico.

Quang cảnh nhà máy lọc dầu Valero Houston ở Houston, Texas, Mỹ. Ảnh Reuters

Quang cảnh nhà máy lọc dầu Valero Houston ở Houston, Texas, Mỹ. Ảnh Reuters

Đây là một giải pháp tạm thời có thể không tồn tại lâu nếu Mỹ cho phép một số lô dầu thô bị trừng phạt của Venezuela quay trở lại thị trường.

Sự thay đổi trong dòng chảy thương mại này phản ánh tình trạng thiếu hụt dầu thô loại trung bình và nặng tại trung tâm lọc dầu quan trọng của Bờ Vịnh, nơi đã phải vật lộn trong những tháng gần đây để đảm bảo nguồn cung đầy đủ trong bối cảnh sản lượng và chất lượng dầu của Mexico không đáp ứng, cùng với chiến lược gây sức ép của Washington đối với ngành năng lượng bị trừng phạt của Venezuela.

Vào tháng 3, Bộ Tài chính Mỹ đã thu hồi các giấy phép quan trọng cho phép một số công ty xuất khẩu dầu và nhiên liệu của Venezuela sang Mỹ, sau khi Tổng thống Donald Trump chỉ trích quốc gia OPEC này về vấn đề di cư và dân chủ.

Tuy nhiên, năm nguồn tin thân cận với vấn đề này cho biết trong tuần này rằng chính quyền hiện đang chuẩn bị cấp giấy phép mới cho các đối tác chủ chốt của PDVSA - công ty do nhà nước Venezuela điều hành, để cho phép họ hoạt động với những hạn chế, có thể bao gồm cả việc hoán đổi dầu.

Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Kpler, năm nay trước khi giấy phép bị thu hồi, Mỹ đã nhập khẩu trung bình khoảng 175.000 thùng dầu thô của Venezuela mỗi ngày, chiếm khoảng 16% lượng dầu nhập khẩu của Bờ Vịnh.

Trong khi đó, lượng nhập khẩu dầu Maya - loại nặng phổ biến của Mexico đã giảm xuống còn 172.000 thùng/ngày trong tháng 7, mức thấp nhất được ghi nhận do sản lượng giảm và các vấn đề về chất lượng khiến nhu cầu về loại dầu này giảm.

Để thay thế khối lượng đó, các nhà máy lọc dầu Bờ Vịnh đang tìm đến các nhà khai thác khác ở Nam Mỹ như Colombia, Brazil và Guyana, với lượng nhập khẩu trong tháng 7 đạt mức cao nhất trong hơn 5 năm.

Các chuyến hàng dầu thô nặng, có hàm lượng lưu huỳnh cao từ Colombia, bao gồm cả loại Castilla và Vasconia, đã tăng gấp đôi lên 225.000 thùng/ngày trong tháng 7, mức cao nhất hằng tháng trong 3 năm qua.

Cũng trong tháng 7, một số nhà máy lọc dầu Bờ Vịnh đã tăng cường nhập khẩu dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh trung bình, và thấp từ Guyana như Unity Gold và Payara Gold lên khoảng 95.000 thùng/ngày, trong khi dầu nặng, có hàm lượng lưu huỳnh cao từ Brazil, bao gồm Peregrino, tăng 58% lên 57.000 thùng/ngày.

Lượng dầu nhập khẩu của Bờ Vịnh từ Trung Đông, chủ yếu là dầu Qaiyarah của Iraq, dầu Eocene của Kuwait và dầu Arab Light chua vừa của Ả Rập Xê-út, cũng tăng mạnh trong tháng này lên 212.000 thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 1.

Phần lớn dầu thô được khai thác tại Mỹ có hàm lượng lưu huỳnh thấp và nhẹ, không lý tưởng cho các nhà máy lọc dầu ở Vịnh Mỹ, nơi thường thích xử lý dầu nặng hơn.

Việc chuyển sang các loại dầu thô có đặc tính rất khác biệt có thể gây khó khăn về mặt vận hành và hạn chế sản xuất, thu hẹp biên lợi nhuận.

Nếu dầu mỏ Venezuela bị trừng phạt quay trở lại thị trường Mỹ thông qua các giao dịch hoán đổi được Washington cho phép, nhiều nhà máy lọc dầu ở Bờ Vịnh có thể lại chuyển sang các loại dầu nặng ưa thích của họ, giúp cải thiện biên lợi nhuận.

Yến Anh

Reuters

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cu-xoay-minh-cua-loc-dau-my-truoc-khung-hoang-nguon-cung-venezuela-mexico-730570.html