Cửa biển bồi lấp, hàng trăm tàu cá Quảng Ngãi phải 'ly hương'

Luồng lạch ra, vào cửa sông, biển bị bồi lấp nghiêm trọng, khiến hàng trăm tàu cá có công suất lớn ở Quảng Ngãi không thể ra vào để neo đậu tránh trú, buộc ngư dân đành phải đưa tàu sang các tỉnh lân cận để bán hải sản.

Cửa biển Cổ Lũy từng là khu vực sầm uất, có hàng nghìn tàu thuyền của ngư dân các xã Nghĩa An, Nghĩa Phú (TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) và nhiều tỉnh, thành khác về bán hải sản, nhập nguyên, nhiên liệu.

Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, cửa biển này (nơi dòng sông Trà Khúc và sông Phú Thọ đổ ra biển) thường xuyên bị sạt lở, bồi lấp khiến luồng lạch bị thu hẹp, cạn dần, tàu thuyền ra vào khó khăn. Những tàu có công suất lớn, khai thác xa bờ, hầu như không thể vào cảng để neo đậu tránh trú.

Theo phản ánh của ngư dân, hiện nay, khu vực cửa biển Cổ Lũy bị bồi lấp nghiêm trọng, có đoạn luồng lạch chỉ còn rộng hơn 5m. Chỉ có những tàu cá công suất nhỏ, khai thác gần bờ mới có thể ra vào. Những tàu cá công suất lớn đành phải “ly hương” sang các tỉnh lân cận để bán hải sản, tiếp nhiên liệu và tránh trú bão.

“Lâu nay luồng sông Phú Thọ cạn, còn cửa biển Cổ Lũy thì bị bồi lấp nghiêm trọng, tàu thuyền ra, vào khai thác hải sản rất khó khăn. Vào đây, nếu mắc cạn là mất tiền tỷ…”, ngư dân Trương Hoài Phong (trú xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) nói.

Luồng lạch ra vào cửa biển Cổ Lũy bị bồi lấp nghiêm trọng.

Luồng lạch ra vào cửa biển Cổ Lũy bị bồi lấp nghiêm trọng.

Theo ông Phong, xã Nghĩa An hiện có khoảng hơn 300 tàu cá công suất lớn phải chuyển sang cảng cá Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa hoặc các tỉnh bạn, việc không thể đưa tàu về neo đậu gần nhà gây khó khăn cho quản lý tài sản. Chiếc tàu là cả một gia tài của ngư dân, gửi xa nhà nên ông cùng nhiều ngư dân khác luôn trong tình trạng bất an lo sợ tài sản bị kẻ xấu phá hoại, đánh cắp các thiết bị trên tàu.

Bà Phạm Thị Công - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết, khi cửa sông, cửa biển chưa bị bồi lấp thì người dân xã Nghĩa An làm ăn rất hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những tàu cá lớn không thể về neo đậu, bán hải sản. Chỉ những tàu công suất dưới 300 CV mới vào được nhưng cũng phải chờ lúc thủy triều lên. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến dịch vụ hậu cần nghề cá của Nghĩa An gặp nhiều khó khăn. Nhiều đơn vị chế biến thủy, hải sản phải đóng cửa do thiếu nguyên liệu.

Luồng lạch cửa biển Cổ Lũy chỉ còn rộng hơn 5m.

Luồng lạch cửa biển Cổ Lũy chỉ còn rộng hơn 5m.

“Ngư nghiệp là ngành nghề chủ yếu của địa phương. Toàn xã có hơn 700 tàu công suất trên 90CV, tỷ lệ người dân sống bằng ngư nghiệp khoảng 80%. Chính quyền địa phương rất mong cơ quan chức năng sớm có giải pháp nạo vét lòng sông để tạo thuận lợi cho việc lưu thông tàu thuyền cũng như tạo thêm việc làm, thu nhập cho lao động địa phương”, bà Công kiến nghị.

Tương tự tại cửa biển Mỹ Á (phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ) là một trong những cửa biển lớn của tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, tình trạng bồi lấp cửa biển đang ngày một nghiêm trọng, khiến tàu cá công suất lớn không thể ra vào cảng Mỹ Á, buộc ngư dân phải đến các địa phương khác như Đà Nẵng, Quy Nhơn để bán hải sản và neo đậu.

Cảng Mỹ Á thưa vắng tàu cập cảng bốc dỡ hải sản.

Cảng Mỹ Á thưa vắng tàu cập cảng bốc dỡ hải sản.

Ông Trần Ngọc Sang - Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ cho biết, nếu như trước đây, luồng lạch ra vào cảng có độ sâu 4m thì hiện tại chỉ còn khoảng 1,8m, vào buổi chiều tối chỉ còn 0,5m nên thời gian qua, có rất nhiều tàu cá ra vào cửa bị mắc cạn, bị sóng đánh chìm gây thiệt hại lớn về tài sản cho ngư dân.

“Nguyên nhân cảng Mỹ Á bị bồi lấp ngày càng nặng, đặc biệt là khu vực giáp biển, mực nước rất nông là do tác động trực tiếp của bão, triều cường và dòng hải lưu nhưng nhiều năm liền không được nạo vét. Thị xã đã kiến nghị UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sớm nghiên cứu, xem xét bố trí kinh phí nạo vét, thông luồng, nhằm tạo điều kiện cho tàu thuyền vào neo trú, nhất là mùa mưa bão đang đến gần”, ông Sang nói.

Việc các cửa biển ở Quảng Ngãi bị bồi lấp, khiến hàng trăm tàu thuyền phải “ly hương” nên các dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng trăm lao động tại cảng không có việc làm, phải tìm kiếm việc làm mới để ổn định đời sống.

Các nhà máy sản xuất đá lạnh hiện nay hoạt động cầm chừng và có xu hướng ngừng hoạt động. Nhiều đơn vị chế biến thủy hải sản phải đóng cửa do đói nguyên liệu. Một số đơn vị linh động mua nguyên liệu ở nơi khác về sản xuất nhằm ổn định việc làm cho công nhân nhưng phải mất nhiều chi phí vì phí vận chuyển cao.

Luồng lạch ra vào cảng Mỹ Á hiện tại chỉ còn khoảng 1,8m, vào buổi chiều tối chỉ còn 0,5m.

Luồng lạch ra vào cảng Mỹ Á hiện tại chỉ còn khoảng 1,8m, vào buổi chiều tối chỉ còn 0,5m.

Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 4.200 tàu cá, trong đó có gần 3.100 tàu có chiều dài trên 15m, với khoảng 37 nghìn lao động trực tiếp sản xuất trên biển. Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai đầu tư xây dựng 2 cảng cá (Sa Huỳnh, Tịnh Kỳ) và 3 cảng neo trú tàu thuyền (Tịnh Hòa, Lý Sơn, Mỹ Á).

Các công trình này đã đem lại những lợi ích thiết thực cho chủ tàu, bà con ngư dân, tạo nơi neo đậu tránh trú bão an toàn cho tàu cá, cung cấp các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, tiêu thụ sản phẩm đánh bắt của bà con ngư dân trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển kinh tế của các địa phương ven biển.

Cửa biển Mỹ Á bị bồi lấp nặng khiến nhiều tàu cá ra vào bị mắc cạn, bị sóng đánh chìm.

Cửa biển Mỹ Á bị bồi lấp nặng khiến nhiều tàu cá ra vào bị mắc cạn, bị sóng đánh chìm.

Tuy nhiên, 3 khu neo đậu nói trên chỉ đáp ứng được hơn 30% lượng tàu cá toàn tỉnh. Vì vậy, nhiều tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phải neo đậu tại bến tư nhân hoặc dọc theo các dòng sông. Đồng thời, hạ tầng các cảng cá còn hạn chế nên rất nhiều tàu thuyền công suất lớn của tỉnh Quảng Ngãi sau khi vươn khơi không về cảng trong tỉnh để bán hải sản mà tập trung ở cảng cá các tỉnh lân cận. Từ đó, dịch vụ hậu cần cảng cá trong tỉnh kém phát triển.

Để phát huy hiệu quả hoạt động các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ, ngành trung ương quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ tỉnh đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hoàn thiện các cảng cá và khu neo đậu trú bão tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi theo quy hoạch.

Từ đó, thu hút ngư dân đưa tàu về tỉnh bán hải sản, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến, đem lại nguồn thu, tạo việc làm cho người dân.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cua-bien-boi-lap-hang-tram-tau-ca-quang-ngai-phai-ly-huong-post1643320.tpo