Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái – cửa ngõ thông quan hàng nông, thủy sản Việt Nam
Với trục cao tốc thông suốt từ Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn - Móng Cái và việc mở cửa hoạt động trở lại hoàn toàn như trước khi có dịch COVID-19, cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) đang trở thành cửa ngõ thông quan, thúc đẩy thương mại hàng nông sản, thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trưởng Ban Quản lý Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, bà Trần Bích Ngọc cho biết, tính từ 1/1 đến hết ngày 18/3, tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Quốc tế Móng Cái đạt 286.761 tấn, tăng 154,8% so cùng kỳ năm 2022.
Theo đó, tại cửa khẩu cầu Bắc Luân II, lượng hàng hóa xuất khẩu đạt tới gần 22.000 tấn chủ yếu là hàng hoa quả, nông sản khác.
Tại lối mở km3+4 Hải Yên, có 1.454 xe xuất khẩu 36.516 tấn hàng thủy hải sản đông lạnh và gần 5.000 xe chở 15.978 tấn tôm, cua, cá sống xuất khẩu. Về nông sản xuất được 41.807 tấn hoa quả và 43.363 tấn bột sắn.
Hiện nay, hoạt động thông quan hàng nông sản, thủy sản và các sản phẩm nông thủy sản được triển khai tại tất cả các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn thành phố Móng Cái và có triển vọng ngày càng gia tăng cả về chủng loại, sản phẩm hàng hóa cũng như số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.
Trong số đó, tập trung chủ yếu tại lối mở cầu phao Km3+4 Hải Yên/cặp chợ bến biên mậu Đông Hưng, lượng hàng nông sản, thủy sản và các sản phẩm nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc qua lối thông quan này đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 60%/năm; riêng năm 2021 dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng lượng hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu đạt xấp xỉ 1 triệu tấn, tăng 157% so cùng kỳ năm 2020; hơn 2 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu được hơn 150 nghìn tấn hàng hóa (bình quân xuất khẩu 2.193 tấn/ngày) tăng 324,5% so cùng kỳ 2022.
Thành phố Móng Cái hội tụ rất nhiều các điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, tiềm năng thế mạnh để tạo nên lợi thế nổi trội, đáp ứng tốt nhu cầu thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc nói riêng.
Cụ thể, Móng Cái là cửa ngõ phía Bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế. Móng Cái có khu kinh tế cửa khẩu có diện tích lớn nhất trong các khu kinh tế của Việt Nam, hội tụ đầy đủ các tiềm năng phát triển độc đáo, khác biệt, đa ngành, tổng hợp mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, thành phố được đầu tư đồng bộ với đầy đủ 3 phương thức vận tải (đường bộ, đường sông và cảng biển) kết nối với 02 tuyến hành lang kinh tế liên vùng và quốc tế, gồm: Hải Phòng – Hạ Long – Cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) – Cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) – thành phố Phòng Thành Cảng và Hà Nội – Hạ Long – Cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) – Cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) – thành phố Phòng Thành Cảng.
Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái Hồ Quang Huy cho hay, hiện nay, thành phố đang tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2024 sẽ là điểm trung chuyển hàng nông sản từ miền Nam ra Bắc để xuất sang thị trưởng Trung Quốc; đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trạm Kiểm soát liên ngành gắn với khu dịch vụ thương mại tại cửa khẩu cầu Bắc Luân II.
Bên cạnh đó, Móng Cái sẽ sớm triển khai một số dự án trọng điểm có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản, thủy sản trên địa bàn như xây dựng Trung tâm Giao dịch hàng hóa nông, lâm, thủy sản quốc tế; phối hợp với thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) đẩy nhanh việc lắp đặt phòng Lab kiểm nghiệm, kiểm dịch hàng hóa; báo cáo cấp thẩm quyền xây dựng thêm 1 cầu sắt thô sơ phụ trợ và 01 cầu phao mới tại khu vực lối mở Km3+4 Hải Yên (Móng Cái, Việt Nam)/Cặp chợ biên mậu Đông Hưng (Trung Quốc) để nâng cao hiệu xuất thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu...
Với hệ thống cửa khẩu quốc tế, cảng biển, hệ thống bến cảng thủy nội địa cùng với hệ thống giao thông đường bộ đang dần hoàn thiện kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái đã tạo thuận lợi phát triển các loại hình dịch vụ, đặc biệt là logistics, góp phần kết nối, thúc đẩy chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các tỉnh, thành trên cả nước với thị trường Trung Quốc.
Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái cho biết thêm, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định pháp luật về xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh; các thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, lối mở biên giới trên địa bàn đều được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi, tiết giảm tối đa cho doanh nghiệp về thời gian thông quan hàng hóa. Đặc biệt việc phía Trung Quốc cho phép loại hình nhập khẩu của cư dân biên giới được miễn thuế khi mua bán, trao đổi hàng hóa với giá trị 8.000 Nhân dân tệ/ngày, đây là chính sách rất thuận lợi cho hàng nông sản, thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Chính quyền thành phố Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc) thường xuyên trao đổi, hội đàm thống nhất các giải pháp thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên, đồng thời cùng thống nhất tham mưu báo cáo cấp trên hai bên giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.
Hiện các doanh nghiệp trong nước đang tận dụng tối đa công nghệ số, công nghệ thông tin, tận dụng tối đa tính ưu việt của các sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng cường quảng bá sản phẩm; không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, đóng gói, vận chuyển xuất khẩu, đẩy nhanh thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, có các tiêu chuẩn cụ thể, quản lý quy trình canh tác, đáp ứng yêu cầu quy định của nước bạn để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.