Cửa nào cho Việt Nam 'chen chân' vào ngành chục tỉ đô cá rô phi?
Thị trường cá rô phi toàn cầu dự báo đạt 15 tỉ đô la Mỹ năm 2033. Cá rô phi được kỳ vọng có thể trở thành chân kiềng thứ ba của ngành thủy sản Việt Nam bên cạnh tôm và cá tra.

Ngành cá rô phi đang manh nha phát triển ở ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh
Việt Nam đang ở đâu trên "bản đồ" cá rô phi?
Cá rô phi được sản xuất và tiêu thụ phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, ở Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, loại thủy sản này mới manh nha phát triển, dù không phải là loại cá xa lạ.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tại hội thảo “Bàn giải pháp tổ chức sản xuất và xuất khẩu cá rô phi 2025” diễn ra ở thành phố Cần Thơ mới đây, cho biết sản lượng cá rô phi toàn cầu năm ngoái đạt gần 7 triệu tấn (năm nay dự kiến đạt 7,3 triệu tấn) với trị giá xuất khẩu đạt 10,6 tỉ đô la Mỹ.
Đến năm 2033, cá rô phi được dự báo tạo ra giá trị thương mại đạt 15 tỉ đô la Mỹ do nhu cầu ngày càng tăng, có thể đạt trên 10%/năm, cao hơn rất nhiều so với con số 2-4%/năm của mặt hàng tôm.
“Bản đồ” cá rô phi toàn cầu đang gọi tên Trung Quốc, Indonesia, Ai Cập và Brazil khi đây là bốn quốc gia chi phối về nguồn cung cũng như về mặt thương mại toàn cầu.
Chẳng hạn, với Trung Quốc, năm ngoái sản xuất 1,7 triệu tấn và dự kiến đạt 1,8 triệu tấn năm 2025, trong đó, 55% sản lượng thành phẩm (tương đương 500.000 tấn) phục vụ cho xuất khẩu, kim ngạch đạt hơn 1,4 tỉ đô la Mỹ năm 2024 với những thị trường chính, gồm Mỹ, Mexico, Israel, Costa Rica, Colombia và Hong Kong.
Riêng Việt Nam, năm ngoái xuất khẩu đạt 41 triệu đô la Mỹ, tức chiếm khoảng 0,39% tổng giá trị thương mại toàn cầu là 10,6 tỉ đô la Mỹ, trong đó Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Trung Đông, ASEAN, Nhật Bản… là những thị trường nhập khẩu chính.
Dù trị giá xuất khẩu khiêm tốn, nhưng tốc độ tăng trưởng vô cùng ấn tượng khi đạt 137% năm 2024 so với năm trước đó. Riêng quí 1-2025, cá rô phi xuất khẩu đạt khoảng 14 triệu đô la Mỹ, tăng 131% so với cùng kỳ, trong đó, thị trường nhập khẩu chính là Mỹ, Nga, Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mexico và Đào Loan.
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Ông Nam của VASEP, cho biết Trung Quốc là nước sản xuất cá rô phi lớn nhất thế giới nhưng đang gặp thách thức không nhỏ. Thứ nhất là nước này bị đánh thuế cao từ thị trường nhập khẩu lớn nhất là Mỹ; thứ hai, trong nước đưa ra quy định môi trường nghiêm ngặt khi buộc nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu chỉ được phép sử dụng nguyên liệu từ các trang trại có chứng nhận.
Theo ông, với diễn biến như nêu trên từ nguồn cung lớn là Trung Quốc, dự báo giá cá sẽ sụt giảm trong ngắn hạn khi Trung Quốc phải tìm thị trường thay thế, đồng thời, tạo áp lực cho các nguồn cung xuất khẩu khác, bao gồm Indonesia, Brazil và cả Việt Nam.
Tuy nhiên, xung đột Mỹ và Trung Quốc diễn ra cũng chính là cơ hội cho Việt Nam chen chân nhiều hơn, nhất là khi Mỹ là nước nhập khẩu cá rô phi lớn nhất của Việt Nam. “Áp lực từ nguồn cung Trung Quốc có, nhưng cơ hội để mở thị trường vẫn lớn, nhất là khi nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ vẫn tăng. Năm 2024 Mỹ nhập 178.000 tấn cá rô phi tăng 8% so với 2023, ông Nam cho biết và nói thêm rằng chỉ riêng Mỹ, Việt Nam đã có cơ hội.
Đồng quan điểm, ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng nuôi trồng thủy sản thuộc Cục thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), nhấn mạnh Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu cá rô phi khi nhu cầu thị trường ngày càng tăng.
Nhìn sang khía cạnh sản xuất, rõ ràng khu vực ĐBSCL có điều kiện để phát triển khi cá rô phi có thể sống tốt trong môi trường nước ngọt lẫn nước lợ. Trong đó, hiện cả nước có trên 40.000 héc ta diện tích nuôi với sản lượng khoảng 300.000 tấn mỗi năm và có 510 cơ sở chế biến thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu.
Ông Nam của VASEP dẫn trường hợp tôm thẻ chân trắng để thấy Việt Nam có thể phát triển cá rô phi. Vào năm 2003, loại tôm này mới bắt đầu được nuôi ở Việt Nam và đã phát triển dần ở những năm sau đó, hiện đóng góp đến 70% kim ngạch xuất khẩu ngành tôm cả nước.
Rõ ràng, nền tảng để Việt Nam phát triển cá rô phi là có, nhất là khi điều kiện sản xuất giống, thức ăn phục vụ cho đối tượng mới này ở Việt Nam cũng đang khá phát triển.

Cá rô phi được tiêu thụ ở thị trường nội địa. Ảnh: LD
Đi chậm, tập trung vào chất lượng
Ông Phạm Anh Tuấn, ủy viên Ban chấp hành Hội thủy sản Việt Nam, Nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng Cục thủy sản, cho biết từ năm 2016 đã có đề án phát triển nuôi và xuất khẩu cá rô phi, nhưng thất bại vì điều kiện lúc bấy giờ không đáp ứng, bao gồm con giống và thức ăn.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, điều kiện phát triển đã sẵn sàng. “Nếu đầu năm 2020 tăng trưởng cá rô phi chỉ đạt 300 gam/con, thì bây giờ đạt 600-700 gam/con, thậm chí hơn”, ông Tuấn dẫn chứng và thông tin, thức ăn công nghiệp cho phát triển cơ bản cũng đáp ứng.
Tuy nhiên, theo vị đại diện của Hội thủy sản Việt Nam, phát triển cá rô phi phải trong tư thế có cạnh tranh, tức ở điều kiện bình thường vẫn có thể bán được, chứ không phải chờ tận dụng cơ hội từ Mỹ đánh thuế cao Trung Quốc. Việc Mỹ đánh thuế Trung Quốc có thể mang lại lợi thế trong ngắn hạn, nhưng phải dựa trên nền tảng cạnh tranh, ông lưu ý.
Một điểm cần đặc biệt lưu ý là tránh phát triển ồ ạt, tức phải bắt đầu từ doanh nghiệp đã có thị trường để phát triển dần lên. Khó khăn nhất hiện nay, là tổ chức sản xuất để có vùng nguyên liệu đáp ứng theo nhu cầu của thị trường, ông Tuấn cho biết và gợi ý, địa phương phải thể hiện vai trò quản lý trong giúp doanh nghiệp và nông dân bắt tay hình thành chuỗi liên kết.
Ông Nam của VASEP, nhấn mạnh sản lượng là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là chất lượng, bởi khi xuất khẩu chỉ cần một lô không đạt yêu cầu, phải mất cả năm để điều tra nguyên nhân khắc phục sự cố. Chúng ta phải đồng hành để làm sao vừa có sản lượng và cả chất lượng, ông nhấn mạnh.
Ông Phạm Thành Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Nông lâm Vina - đơn vị có tham gia nuôi cá rô phi, cho rằng khó khăn nhất hiện nay là đầu ra. Đây yếu tố cực kỳ quan trọng, trong khi nhà thu mua hiện chỉ chờ giá xuống, có lời mới làm, ông nói và kiến nghị cần liên kết, ổn định đầu ra để người dân an tâm sản xuất.
Cá rô phi được kỳ vọng có thể trở thành chân kiềng thứ ba của ngành thủy sản Việt Nam bên cạnh tôm và cá tra.
"Để kỳ vọng thành hiện thực, phải xác định rõ chiến lược phát triển”, ông Bùi Ngọc Thanh, Giám đốc kỹ thuật thủy sản của Hội đồng xuất khẩu đậu nành Mỹ gợi ý và nhấn mạnh, phải tập trung vào chất lượng, đi chậm nhưng chắc thay vì phát triển nhanh, nóng vội.
Một điểm lưu ý quan trọng khác được ông Thanh nêu ra, đó là phải kiểm soát vận chuyển cá rô phi qua biên giới để né thuế bằng cách "đi đường vòng" qua Việt Nam rồi xuất khẩu.
Rõ ràng, Việt Nam có cơ hội để phát triển ngành cá rô phi thời gian tới khi điều kiện sản xuất có, cơ hội thị trường mở ra. Thế nhưng, việc phát triển nên có quy hoạch bài bản, lấy chất lượng để chinh phục thị trường thay vì chạy đua theo số lượng.