Ngành cà phê cần làm gì trước quy định chống phá rừng của EU?

Quy định của Liên minh Châu Âu về sản phẩm không gây phá rừng (European Union Deforestation Regulation - EUDR) có hiệu lực từ đầu năm 2026, đang đặt ra yêu cầu khắt khe đối với ngành cà phê Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU. Nếu không tuân thủ các quy định về sử dụng đất, các sản phẩm cà phê sẽ không đáp ứng được quy định EUDR, thậm chí có nguy cơ không được chấp nhận tại thị trường này.

Theo đó, EUDR áp dụng lên các ngành hàng: Ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ... và một số sản phẩm có nguồn gốc từ các hàng hóa nêu trên. Theo quy định, bất kỳ nhà khai thác hoặc thương nhân nào đưa các mặt hàng này vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ thị trường này phải chứng minh rằng các sản phẩm không có nguồn gốc từ đất rừng bị phá gần đây hoặc góp phần làm suy thoái rừng.

Quy định nhằm giải quyết việc phá rừng, suy thoái rừng, và bảo tồn rừng để giảm lượng khí thải carbon và mất đa dạng sinh học.

Quy định chống mất rừng của EU (EURD) có hiệu lực từ đầu năm 2026, đang đặt ra yêu cầu khắt khe đối với ngành cà phê Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU.

Quy định chống mất rừng của EU (EURD) có hiệu lực từ đầu năm 2026, đang đặt ra yêu cầu khắt khe đối với ngành cà phê Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU.

Trong các nhóm mặt hàng chịu sự điều chỉnh của Quy định chống phá rừng, Việt Nam có 3 nhóm hàng bị tác động chính, đó là gỗ, cao su và cà phê. Trong đó, cà phê chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì chiếm 55% kim ngạch xuất khẩu, khoảng hơn 1,1 tỷ USD; tiếp đến là mặt hàng gỗ (636 triệu USD); cao su (252 triệu USD).

Ông Phạm Thắng - Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam cho biết, hiện doanh nghiệp cà phê đã có chuẩn bị tương đối tốt để thích ứng với EUDR ngay khi quy định này có hiệu lực. Tuy nhiên, quá trình thực thi sẽ có khác nhau, vì thế rất cần sự đồng hành từ cơ quan chức năng để hướng dẫn doanh nghiệp cà phê triển khai thực hiện một cách hiệu quả nhất.

Thông tin tại Hội thảo "Hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp" được tổ chức sáng nay (25/4) tại Hà Nội, chuyên gia phân tích chính sách Tô Xuân Phúc - Tổ chức Forest Trends - cho hay, hiện các thị trường xuất khẩu lớn ngày càng đòi hỏi chặt chẽ hơn về các khía cạnh hợp pháp và không mất rừng.

Quy định EURD có hiệu lực từ đầu năm 2026, các mặt hàng gỗ, cà phê, cao su,... trồng trên các diện tích đất lâm nghiệp không tuân thủ các quy định của Chính phủ Việt Nam về sử dụng đất, bao gồm các quy định về khoán sẽ không đáp ứng được quy định EUDR và như vậy có rủi ro trong việc không chấp nhận tại thị trường này.

Cũng theo ông Tô Xuân Phúc, hiện chưa có thông tin về liệu các mặt hàng nông sản được sản xuất trên diện tích lâm nghiệp, bao gồm cả các diện tích do các công ty lâm nghiệp đang quản lý có được xuất khẩu vào thị trường EU hay không. Tuy nhiên, những tồn tại trong khâu sử dụng đất của nhiều công ty lâm nghiệp hiện nay cho thấy các thách thức trong việc tiếp cận thị trường này trong tương lai đối với các mặt hàng được sản xuất trên các diện tích đất lâm nghiệp hiện nay.

Ngoài ra, EURD quy định nếu quá trình sản xuất các mặt hàng gây mất rừng, với thời điểm mất rừng tính từ 31/12/2020, toàn bộ các mặt hàng gây mất rừng này sẽ không được phép nhập khẩu vào EU. Nói cách khác, các loại cây hàng hóa trồng trên diện tích xâm lấn vào các diện tích rừng từ thời điểm cuối năm 2020 trở lại đây do các công ty lâm nghiệp được giao quản lý sẽ không có cơ hội tiếp cận thị trường EU.

Trước đó, đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam vào thị trường Bắc Âu, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, quy định chống phá rừng của EU sẽ tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam, đặc biệt vào thị trường Bắc Âu gồm Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy.

Đặc biệt, nhằm giúp doanh nghiệp tuân thủ các nguyên tắc trong Quy định chống phá rừng EUDR của EU, bà Thúy cho rằng, trước mắt doanh nghiệp cà phê xuất khẩu cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Các doanh nghiệp cần đảm bảo cà phê xuất khẩu được trồng trên diện tích đất không phải đất rừng; thường xuyên chia sẻ thông tin vị trí địa lý cụ thể của vùng trồng cà phê.

Để làm được điều này, bà Thúy khuyến nghị: “Doanh nghiệp xuất khẩu cần hợp tác với các hiệp hội nông dân và nhóm sản xuất để thu thập thông tin vị trí địa lý và hồ sơ truy xuất nguồn gốc. Đầu tư vào công nghệ theo dõi chuỗi cung ứng, đảm bảo tính minh bạch và chính xác của dữ liệu”.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và khu vực đã có kinh nghiệm tuân thủ EUDR. Ngoài ra, tận dụng EUDR để tạo lợi thế cạnh tranh.

Sự chuẩn bị sớm và đầy đủ để tuân thủ EUDR không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường mà còn là yếu tố quan trọng để tạo dựng uy tín với khách hàng Bắc Âu.

Để làm tốt việc tận dụng, doanh nghiệp phải chuẩn bị tài liệu và chứng nhận chứng minh sự tuân thủ EUDR, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc và dữ liệu về bền vững. Cùng đó, quảng bá những nỗ lực bảo vệ môi trường và tính bền vững của doanh nghiệp như một giá trị cộng thêm.

Mặt khác, tăng cường tiếp cận với khách hàng tại các hội chợ thương mại ở Bắc Âu như Stockholm Coffee Festival hoặc Copenhagen Coffee Fair.

Các doanh nghiệp cũng cần dự toán chi phí tuân thủ EUDR. Bởi, quá trình đảm bảo tuân thủ EUDR sẽ đòi hỏi chi phí đáng kể, từ việc thu thập dữ liệu đến áp dụng công nghệ mới, đi đầu trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững...

Nói thêm về việc này, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho hay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang hoàn thiện tài liệu hướng dẫn sử dụng hệ thống dữ liệu để doanh nghiệp và nông dân đáp ứng EUDR.

"Đây là cơ sở giúp ngành cà phê duy trì xuất khẩu sang EU, tạo nền tảng minh bạch cho phát triển bền vững", ông Nguyễn Quốc Mạnh nói.

Trước yêu cầu cấp thiết từ EUDR, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai thí điểm hệ thống dữ liệu vùng trồng tại 4 huyện gồm: Krông Năng, Cư M'gar, Ea H'leo (Đắk Lắk) và Di Linh (Lâm Đồng).

Tính đến tháng 12/2024, 100% diện tích cà phê tại các địa phương này đã được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu vùng trồng và rừng.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/nganh-ca-phe-can-lam-gi-truoc-quy-dinh-chong-pha-rung-cua-eu-1106410.html