'Cửa ngõ' cho hàng hóa Tây Nguyên tiếp cận thị trường thế giới
Cảng Quy Nhơn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế tỉnh Bình Định và phía Bắc tỉnh Phú Yên. Đặc biệt, đối với vùng Tây Nguyên, cảng Quy Nhơn giống như 'cửa ngõ' để hàng hóa ở khu vực này tiếp cận thị trường thế giới. Về lâu dài, cảng Quy Nhơn sẽ giúp hàng hóa của các tỉnh phía Bắc của Campuchia và phía Nam của Lào kết nối với thị trường quốc tế.
Kết nối từ cửa khẩu đường bộ đến cảng biển
Thượng úy Phạm Ngọc Thắng, Trạm trưởng Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Quy Nhơn, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Quy Nhơn, BĐBP Bình Định dẫn tôi đi tham quan toàn bộ cảng Quy Nhơn. Chiếc tàu nước ngoài tải trọng 30.000 tấn vừa mới cập cảng lấy dăm gỗ xuất đi Trung Quốc, ở khu vực cảng có hàng chục chiếc xe ô tô xếp hàng chờ đợi đến lượt mình vào để giao hàng. Kế tiếp có một chiếc tàu Việt Nam nhập khẩu 6.000 tấn phân bón (hàng rời), doanh nghiệp đặt băng chuyền và hệ thống đóng bao tại cảng. Bên cạnh có 2 tàu cỡ nhỏ chở phân đạm từ tỉnh Cà Mau ra cảng Quy Nhơn đang cẩu lên xe chở về kho lưu giữ. Gần như toàn bộ số hàng phân phối về cảng Quy Nhơn sẽ được các doanh nghiệp, đại lý vận chuyển lên các tỉnh Tây Nguyên tiêu thụ.
Như quy luật, các mặt hàng sắt thép, xi măng, than đá, xăng dầu... nhập vào cảng Quy Nhơn rồi trung chuyển lên Tây Nguyên. Hàng về lại cảng là các loại dăm gỗ, mì khô (sắn), cà phê... Hiện nay, Nhật Bản đang đặt hàng một số doanh nghiệp Việt Nam sản xuất viên gỗ nhỏ bằng viên bi làm nguyên liệu đốt lò cho các nhà máy nhiệt điện, nên tháng nào cũng có tàu cập cảng Quy Nhơn lấy hàng.
Thấy có một chiếc tàu chở container đang tiến vào cảng, tôi đến gần quan sát. Thượng úy Phạm Ngọc Thắng giải thích: “Chiếc tàu này chuyên gom container dọc các cảng biển miền Trung chở vào cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) để đưa lên “tàu mẹ” xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ... Thời gian tàu lưu lại tại cảng Quy Nhơn tính bằng giờ, tốc độ bốc hàng rất nhanh. Hằng tuần có lượng container đông lạnh chở chuối của Công ty Hoàng Anh Gia Lai trồng bên Lào quá cảnh qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai), đưa xuống cảng Quy Nhơn, xuất bán sang các nước”.
Cảng Quy Nhơn đang thực hiện tuyến vận tải biển tới các nước Đông Bắc Á, nhằm khơi thông luồng hàng xuất khẩu từ các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào (qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum), vùng Đông Bắc Campuchia (qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh). Đồng thời, hãng tàu SITC (CMV) kết nối hàng hóa xuất nhập khẩu giữa cảng Quy Nhơn với các cảng lớn tại Trung Quốc như: Thanh Đảo, Đại Liên, Thượng Hải, Ningbo và chuyển tiếp kết nối đến cảng Incheon, Pusan (Hàn Quốc) và Tokyo, Yokohama (Nhật Bản), góp phần tạo tiền đề cho sự tăng trưởng hàng container thông qua cảng Quy Nhơn.
Giúp phát triển nông lâm sản
Cảng Quy Nhơn tập trung phát triển 3 chiến lược quan trọng: Cảng nước sâu, cùng với hạ tầng cảng biển hiện đại; xây dựng chuỗi dịch vụ logistics kết nối cảng, với trọng tâm phát triển đội tàu container; xây dựng hệ thống quản trị nguồn nhân lực hiệu quả... đang là mục tiêu cốt lõi của cảng.
Thời gian vừa qua, cảng Quy Nhơn đã hoàn thành mở rộng bến số 1 ra phía khu nước trước, chiều dài gần 500m, đảm bảo tiếp nhận cùng một lúc 2 tàu hàng tổng hợp 50.000 tấn và tàu container 30.000 tấn. Ông Hồ Liên Nam, Phó Tổng Giám đốc cảng Quy Nhơn cho biết: “Cảng Quy Nhơn đã triển khai cảng biển điện tử từ đầu năm 2022, giúp khách hàng cập nhật tình trạng dữ liệu tàu, hàng hóa thực tế 24/7, đảm bảo tính trung thực và tiết kiệm chi phí, giảm thời gian, tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng. Sử dụng loại cần cẩu vừa làm hàng container, vừa làm cả thùng đựng dăm gỗ, tăng tốc độ làm hàng ở cảng, vừa bảo vệ môi trường, vừa tăng năng suất xếp dỡ, giải phóng tàu nhanh”.
Tỉnh Bình Định xác định rõ vai trò cảng biển giữ vững 5 trụ cột tăng trưởng chính: Công nghiệp; thương mại; du lịch; dịch vụ cảng và logistics. Đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025, Bình Định trở thành trung tâm trung chuyển và dịch vụ cảng biển, logistics, vận tải, dịch vụ xuất nhập khẩu, công nghiệp chế tạo, chế biến khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Cùng với cảng biển, Bình Định đang phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội, các khu công nghiệp Phú Tài, Long Mỹ, Nhơn Hòa, Hòa Hội... Bình Định đang có nhiều nhà máy chế biến sản xuất dăm gỗ và gỗ nén. Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần năng lượng sinh học Phú Tài thông tin về thị trường: “Gỗ nén viên mới phát triển mấy năm gần đây, được sản xuất tại Bình Định, hầu hết xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản sử dụng đốt lò nhiệt điện. Phía Nhật Bản đã ký kết hợp đồng dài hạn. Nguyên liệu gỗ trồng ở Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk. Đây là vùng nguyên liệu đủ để các nhà máy hoạt động ổn định”.
Công ty cổ phần năng lượng sinh học Phú Tài đang nghiên cứu sử dụng cỏ voi làm nguyên liệu sản xuất. Trồng cỏ voi chỉ 4 tháng là thu hoạch, năng suất có thể đạt 300 tấn/ha. “Mỗi năm làm 3 vụ, khi thu hoạch được 900 tấn cỏ voi/ha/năm. Nếu sử dụng cỏ voi làm nguyên liệu chế biến viên nén hiệu quả, thì ngành chế biến viên nén giảm hẳn mối lo về nguyên liệu sản xuất, đồng thời mở ra một hướng sản xuất mới cho nông dân các miền Trung và Tây Nguyên” - ông Phong tiết lộ thông tin.