Cửa ngõ để doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Đông
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam tìm cách tăng xuất khẩu, đầu tư sang Qatar, UAE sẽ mở cửa vào thị trường tiềm năng Trung Đông.
Cửa ngõ vào Trung Đông
Theo Đại sứ Việt Nam tại Qatar Nguyễn Huy Hiệp, Qatar là một nước nhỏ thuộc khu vực Vùng Vịnh, là thành viên của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), dân số khoảng 3 triệu người.
GDP của Qatar dự báo đạt khoảng 221 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người dự kiến năm 2024 đạt khoảng 71.500 USD. Dầu thô và khí thiên nhiên là trụ cột của nền kinh tế, chiếm hơn 70% nguồn thu.
Trong những năm gần đây, Qatar được thế giới biết đến nhiều sau khi tổ chức thành công FIFA World Cup 2022 và vị thế quốc tế ngày một tăng trong những nỗ lực cùng Hoa Kỳ và Ai Cập tham gia trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn cho xung đột Israel-Hamas tại Gaza cũng như nhiều hoạt động hỗ trợ nhân đạo, từ thiện cho những nạn nhân bị thiên tai và chiến tranh tại Gaza, Nam Sudan, Syria…
Việt Nam và Qatar có quan hệ hữu nghị, hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023 với nhiều hoạt động. Vừa qua, từ ngày 30/10-1/11/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm chính thức Qatar, mở ra nhiều triển vọng hợp tác giữa hai nước.
Về những cơ hội đối với SME Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Huy Hiệp cho biết, Qatar là một trong những quốc gia giầu có với thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm hàng đầu thế giới, có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ với nhu cầu tiêu dùng cao, đa dạng về sản phẩm và dịch vụ.
Qatar một trong những quốc gia có chính sách thuế thấp, môi trường kinh doanh tương đối thuận lợi. Qatar cũng có thể được coi là một của ngõ để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường GCC và lớn hơn nữa là thị trường Trung Đông.
Trong Chiến lược Phát triển Quốc gia, Qatar chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế, giảm dần sự phụ thuộc và lĩnh vực dầu khí, tăng tỷ trọng các ngành phi dầu khí, chú trọng phát triển ngành dịch vụ, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực mới như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao.
Gần đây, Qatar đa khởi động Chiến lược phát triển ngành nông nghiệp nhằm đảm bảo là an ninh lương thực dựa trên ba trụ cột là: Xây dựng khuôn khổ tác quốc tế; Xây dựng, hệ thống mạng lưới cung ứng lương thực ổn định và Từng bước chủ động nguồn cung, sản xuất tại chỗ thông qua hợp tác liên kết, liên doanh, mời gọi đầu tư từ các đối tác nước ngoài có kinh nghiệm, năng lực trong lĩnh vực nông nghiệp.
Qatar đang tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài trong các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, dầu khí, du lịch, nông nghiệp, các lĩnh vực mới như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin…
Tuy nhiên, Đại sứ Nguyễn Huy Hiệp cũng chỉ rõ những thách thức khi hợp tác với bạn. Thách thức đầu tiên chính là cạnh tranh, bởi thị trường Qatar nói riêng và các nước GCC có sự cạnh tranh gay gắt, mạnh mẽ từ các doanh nghiệp sở tại và các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn, công ty lớn, có uy tín, thương hiệu mạnh.
Quy mô thị trường Qatar nhỏ. Cơ cấu sản phẩm, mặt hàng của ta khá tương đồng với nhiều nước Nam Á, Đông Nam Á. Mặt khác nữa có thể thấy rất rõ là cơ cấu dân số của Qatar cũng là trở ngại không nhỏ đối với việc tiếp cận và khai thác thị trường sở tại khi mà người gốc Qatar có khoảng 11 % dân số với thu nhập cao, mức sống cao, khả năng chi tiêu lớn có xu hưóng ưa chuộng tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu của các nước châu Âu.
Trong khi đó, người nước ngoài nhập cư đến từ Nam Á, Đông Nam Á và các nước khác trong khu vực chiếm phân lớn dân số của Qatar có thói quen và ưa tiêu dùng sản phầm truyền thống nhập khẩu từ các nước này.
Thị trường Qatar khá khó tính về chất lượng sản phẩm, dịch vụ và có yêu cầu cần đáp ứng và cần có chứng nhận tiêu chuẩn Halal đối với thực phẩm.
Một yếu tố khác cần chú ý là sự khác biệt rất lớn về văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, thị hiếu, thói quen tiêu dùng, tập quán kinh doanh, quy định pháp của sở tại có thể tạo ra những rào cản đáng kể trong giao dịch, hợp tác đầu tư, kinh doanh với các đối tác sở tại.
Đại sứ khẳng định, triển khai công tác ngoại giao kinh tế lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar luôn chủ động và kịp thời hỗ trợ, cung cấp, cập nhật thông tin cho các doanh nghiệp và địa phương.
Các yêu cầu của doanh nghiệp có thể được gửi trực tiếp đến Đại sứ quán hoặc thông qua cơ quan đầu mối về ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao tổng hợp để được hỗ trợ.
Cơ hội lớn tại UAE
Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, Cán bộ phụ trách kinh tế, Đại sứ quán Việt Nam tại Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) cho biết, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp SME Việt Nam nỗ lực tiếp cận và khai thác thị trường UAE, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh vào UAE như: nông sản (rau quả, gạo), nông sản chế biến (tiêu, điều, cà phê, chè, quế, hồi, bánh tráng, bún, sữa, nước ngọt đóng lon,…), thủy sản và thủy sản chế biến, hàng dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm từ gỗ, bánh kẹo... và đã đạt được những kết quả rất tích cực.
Dự kiến, năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-UAE ước đạt trên 6,53 tỷ USD, tăng 39,20% so với cùng năm 2023; Việt Nam thặng dư thương mại lớn đối với UAE, khoảng 4,87 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng phi dầu khí của Việt Nam sang UAE ước đạt 5,70 tỷ USD, tăng 42,0% so với cùng kỳ năm 2023, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ UAE đạt trên 831 triệu USD, tăng 22,60% so với cùng kỳ năm 2023.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú đánh giá, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như: xuất khẩu nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến sẵn, dệt may, các sản phẩm tiêu dùng có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường UAE do nước này hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu.
Trong bối cảnh hai nước vừa nâng cấp quan hệ lên đối tác toàn diện và ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA), mở ra nhiều cơ hội hơn nữa tận dụng các chính sách ưu đãi về thuế quan để tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu.
Về khó khăn, hạn chế khi tiếp cận và khai thác thị trường UAE của các SME Việt Nam, bà Nguyễn Thị Cẩm Tú nêu rõ, đầu tiên là do thiếu nguồn lực tài chính để tham gia vào các triển lãm quốc tế, thiết lập kênh phân phối, hoặc chi trả cho các chi phí marketing và truyền thông khiến doanh nghiệp SME Việt Nam gặp khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường và tạo dựng mối quan hệ lâu dài tại UAE.
Người dân UAE còn thiếu thông tin về đất nước, con người, thị trường, doanh nghiệp, văn hóa Việt Nam. Sự hiện diện của Việt Nam tại UAE còn khiêm tốn so với các nước khác, như: Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore…
Doanh nghiệp SME cũng chưa được trang bị đầy đủ thông tin về nhu cầu tiêu dùng, ngôn ngữ, văn hóa, thị hiếu tiêu dùng, tập tục kinh doanh, các xu hướng thị trường, các yêu cầu pháp lý, hải quan, quy định về nhập khẩu, chứng nhận chất lượng sản phẩm, các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm...
Điều này khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam gặp khó khăn trong việc xác định sản phẩm và chiến lược tiếp cận phù hợp. Hầu hết các sản phẩm thực phẩm và đồ uống của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chưa có chứng nhận Halal (trong khi đó Thái Lan đã phát triển thành nhà sản xuất thực phẩm Halal lớn thứ năm và xuất khẩu sản phẩm Halal lớn thứ 12 toàn cầu).
Cuối cùng là doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với các nước khác tại thị trường UAE về giá cả, do khoảng cách địa lý xa xôi, chi phí vận chuyển của Việt Nam cao hơn so với các nước khác; phải cạnh tranh với các nước hưởng chính sách miễn giảm thuế nhập khẩu với UAE, có cùng dải mặt hàng với Việt Nam như: Ấn Độ, Indonesia...
Hệ thống bán lẻ chủ yếu tại UAE hiện nay do người Ấn Độ và Nam Á thống trị. Tình trạng tranh chấp, gian lận thương mại còn tương đối phổ biến tại UAE, và có xu hướng ngày càng tinh vi hơn.
Về sự hỗ trợ của Đại sứ quán, bà Nguyễn Thị Cẩm Tú cho biết, trong năm 2024, Đại sứ quán đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá tiềm năng thế mạnh của các địa phương Việt Nam (Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bình Định…); tăng cường quảng bá sản phẩm chủ lực, lợi thế, đặc trưng của Việt Nam; chủ động đề xuất và tích cực vận động, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký tham gia một số hội chợ, triển lãm nổi bật tại UAE như: Gulfood, Hội chợ sản phẩm tự nhiên - hữu cơ (11/2024), tuần lễ quảng bá hàng Việt Nam tại Đại siêu thị Lulu; xây dựng kế hoạch và lộ trình tham dự Gulfood của doanh nghiệp ta giai đoạn 2026-2027; hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác tại UAE...;
Ngoài ra, Đại sứ quán cũng tích cực chủ động cung cấp thông tin kịp thời về thị trường; tổ chức thành công Diễn đàn doanh nghiệp trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ. Đại sứ quán chủ động cung cấp thông tin về môi trường đầu tư và kinh doanh tại UAE, xác minh và cung cấp thông tin về các đối tác UAE theo đề nghị của các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhân dịp này, Đại sứ quán Việt Nam tại UAE cũng đề xuất nhiều biện pháp đối với các bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp SME tăng cường hơn nữa việc xuất khẩu và mở rộng thị trường sang UAE.