'Cửa sáng' cho 49 dự án thủy điện

49 dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đứng trước nhiều cơ hội tiếp tục được triển khai.

Khoảng 5 năm trước, UBND tỉnh Lâm Đồng ra văn bản 976 chỉ đạo tới các sở ngành, địa phương về việc tạm dừng thu hút đầu tư và không giải quyết việc thăm dò, bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện có công suất lắp máy từ 30MW trở xuống. Nguyên nhân là tỉnh này đang thực hiện rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện quy hoạch và đầu tư các dự án thủy điện trên địa bàn.

Sở Công thương Lâm Đồng mới đây đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị bãi bỏ văn bản 976 nêu trên. Trước đó, vào tháng 2 vừa qua, đề nghị về việc bãi bỏ văn bản 976 cũng từng được Sở Công thương gửi tới Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng (trong báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2021).

Cụ thể, theo đánh giá của Sở Công thương Lâm Đồng, tới nay, nội dung văn bản 976 không phù hợp với định hướng, chỉ đạo, quy hoạch liên quan của Chính phủ, bộ ngành và chính kế hoạch của tỉnh thời gian gần đây như: Nghị quyết 55 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (“Phát triển nhanh và bền vững ngành điện đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đối với thủy điện”); Quyết định 2068 của Thủ tướng; Kế hoạch 135 của Tỉnh ủy Lâm Đồng (triển khai thực hiện Nghị quyết 55) và Kế hoạch 6172 năm 2021 của UBND tỉnh.

Văn bản 976 cũng không phù hợp với Quyết định 500 hồi tháng 5/2023 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch điện VIII (ở phần nội dung liên quan tới "Phương án phát triển nguồn điện” nêu tại điểm 1 khoản III Điều 1).

Bên cạnh đó, Đề án quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã trình hội đồng thẩm định quốc gia) được tích hợp vào khoảng 50 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất khoảng 500MW. Sau khi đề án quy hoạch tỉnh được Thủ tướng phê duyệt sẽ triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.

Trong đó, các dự án thủy điện nhỏ sẽ được thực hiện phù hợp với Nghị quyết 55, Quyết định 2068, Quyết định 500 của Thủ tướng, Kế hoạch 135 của Tỉnh ủy Lâm Đồng và Kế hoạch 6172 của UBND tỉnh. Vì vậy nếu không bãi bỏ văn bản 976 thì các dự án nói trên sẽ bị vướng mắc.

Hiện tại, tờ trình quy hoạch tỉnh Lâm Đồng gửi Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện địa phương này sẽ đầu tư xây dựng mới 6 nhà máy thủy điện theo quy hoạch đã được phê duyệt (tổng công suất khoảng 65MW), giai đoạn 2026-2030, tiếp tục xem xét đưa vào quy hoạch và đầu tư 49 nhà máy thủy điện nhỏ và vừa (tổng công suất khoảng 503MW), trong đó ưu tiên đầu tư sớm 25 công trình với tổng công suất khoảng 391MW.

Mới nhất, báo cáo thẩm định quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ngày 5/6/2023) có nội dung: về phát triển mạng lưới điện, đề nghị chuẩn xác quy mô và danh mục các công trình điện theo quy hoạch liên quan đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; tình hình đầu tư, phát triển mạng lưới cấp điện (xây mới, nâng cấp cải tạo…) giai đoạn 2011-2020 theo quy hoạch được phê duyệt; bổ sung danh mục các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn được đầu tư giai đoạn 2011-2020 tại Báo cáo.

Cũng theo báo cáo thẩm định cho biết, giai đoạn 2021-2030, Lâm Đồng dự kiến triển khai 49 nhà máy thủy điện nhỏ và vừa với tổng công suất khoảng 503MW; đề nghị thực hiện văn bản 9844 của Bộ Công thương (ban hành tháng 12/2020) về tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác dự án/công trình thủy điện; đề nghị không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ an ninh, quốc phòng hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định) theo yêu cầu tại Chỉ thị 13 (tháng 1/2017) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Tại văn bản 9844, Bộ Công thương đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án thủy điện: tạm dừng đối với các dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng; chỉ triển khai sau khi có kết quả đánh giá đảm bảo không tác động lớn, tiêu cực đến môi trường và không ảnh hưởng lớn đến dân cư, không chiếm dụng đất rừng tự nhiên và có hiệu quả kinh tế.

Đồng thời, các địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện trên địa bàn tỉnh, kiên quyết loại ra khỏi quy hoạch đối với các dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế, có chiếm dụng rừng tự nhiên, ảnh hưởng lớn đến dân cư và tác động xấu đến môi trường; chưa xem xét, nghiên cứu để đề xuất bổ sung vào quy hoạch đối với các dự án thủy điện có công suất nhỏ hơn 10MW.

Trong bộ hồ sơ trình quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, danh mục 49 dự án thủy điện vừa và nhỏ thời kỳ 2021-2030 cho thấy các trường hợp chủ yếu nằm ở các địa bàn như: huyện Lâm Hà (thủy điện Tân Thượng, Tân Thanh, Đa Dâng 1C, Phú Sơn, Nam Ban – Cam Ly…), TP. Đà Lạt (Cam Ly, Đa Nhim Thượng 4A, 4B, Cam Ly Thượng…), huyện Đức Trọng (Hạ Đa Nhim, Đa R’Le), Đạ Huoai (Đạ Huoai 2, Đam Bri 2, Mađagui, Đạ Huoai 3,4)…

Với lợi thế về phát triển năng lượng chủ yếu là khai thác thủy điện và thủy điện tích năng, trong giai đoạn 2016-2021, Lâm Đồng phát triển được 11 dự án thủy điện với tổng công suất khoảng 113MW (cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 1,5 tỷ kWh).

Tháng 2/2023, đề nghị về việc bãi bỏ văn bản 976 của UBND tỉnh từng được Sở Công thương gửi tới Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng (trong báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2021).

Với lợi thế về phát triển năng lượng chủ yếu là khai thác thủy điện và thủy điện tích năng, trong giai đoạn 2016-2021, Lâm Đồng phát triển được 11 dự án thủy điện với tổng công suất khoảng 113MW (cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 1,5 tỷ kWh).

Thái Bình

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/cua-sang-cho-49-du-an-thuy-dien-1686460454973.htm