Cửa sổ - Con mắt của nhà
Nếu cửa sổ là con mắt nhà thì ô văng là hàng mi. Cửa sổ là điểm kết nối không gian chung và riêng nên tổ hợp ô văng, cửa chớp, cửa kính như chiếc mành, chiếc dại của ngôi nhà cổ. Nó giữ để cái chung không thể đường đột xộc vào và cái riêng cũng chẳng thể hớ hênh lọt được ra.
Bạn thử tưởng tượng ngôi nhà không có cửa sổ, chỉ có 4 bức tường thì trông tù túng ngột ngạt như thế nào. Chưa bàn tới công năng, chỉ riêng tính thẩm mỹ, thiết kế một ngôi nhà không cửa sổ là thách thức ghê gớm cho các kiến trúc sư.
Nhà ống ở phố là một ví dụ. Thật khó có thể sáng tạo nếu "đất diễn" của các nhà kiến trúc chỉ có mỗi mặt tiền hướng ra phố.
Phong thủy, nhìn ở khía cạnh khoa học, không thể thiếu 2 yếu tố: ánh sáng và không khí. Muốn khai mở 2 yếu tố này cho căn nhà thì buộc phải có cửa sổ.
Cửa sổ không chỉ đón gió để tuần hoàn không khí trong phòng mà còn đem đến ánh sáng tự nhiên. Thiết kế để lấy được ánh sáng và không khí tự nhiên cho ngôi nhà luôn đòi hỏi nhà kiến trúc phải có năng lực, kinh nghiệm và sự tận tâm.

Ảnh: Internet
Người Pháp đã làm phong phú phong cách kiến trúc ở Việt Nam. Họ du nhập vào nước ta nhiều phong cách kiến trúc như: kiến trúc tiền thực dân, tân cổ điển, Art Deco, kiến trúc địa phương Pháp, kiến trúc Đông Dương… nhưng dù ở phong cách kiến trúc nào thì họ cũng nghiên cứu kỹ thời tiết, khí hậu, các mùa ở Việt Nam để thiết kế những công trình cho tới nay vẫn là chuẩn mực và biểu tượng cho nét xưa.
Một trong những dấu ấn ở những công trình người Pháp để lại là cửa sổ. Cửa đi và cửa sổ ở các công trình cổ này thường cao, đôi khi buông thẳng xuống sàn và vươn tới sát trần. Hầu hết cửa sổ đều có 2 hệ cửa: cửa chớp bằng gỗ ở ngoài và cửa kính ở trong. Cách thiết kế này rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa ở miền Bắc, ấm vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè.

Cửa sổ một công trình của Pháp cổ. Ảnh MXH
Cho tới nay, dù có nhiều thiết bị như máy điều hòa, máy lọc không khí, máy cấp gió tươi… nhưng thiết kế kiến trúc với 2 hệ cửa sổ nói trên vẫn được ưa chuộng. Nó chứng tỏ sự thuận tiện và thân thiện hơn, nhất là với các công trình nhà ở dân sinh không đủ điều kiện sử dụng điều hòa 24/24.
Mặc dù được thiết kế hai hệ cửa để trời mưa đóng cửa chớp vẫn đảm bảo đối lưu không khí trong phòng, mùa đông đóng cửa kính phòng gió lạnh, nhưng nhiều công trình vẫn cẩn thận thiết kế cả ô văng.
Ô văng không chỉ che nắng, mưa mà nó còn là điểm nhấn kiến trúc cho ngôi nhà, tạo nên các khối thò-thụt để bức tường bớt đơn điệu. Nếu của sổ là con mắt nhà thì ô văng là hàng mi. Cửa sổ là điểm kết nối, là bước đệm giữa không gian chung và riêng, cho nên tổ hợp ô văng, cửa chớp, cửa kính như chiếc mành, chiếc dại che nắng của ngôi nhà cổ. Nó giữ để cái chung không thể đường đột xộc vào và cái riêng cũng chẳng thể hớ hênh lọt được ra.

Nguồn ảnh: Pinterest
Không phủ nhận sự phong phú về vật liệu đã tạo điều kiện cho ngôi nhà hoàn mỹ hơn nhưng nếu lạm dụng hoặc không tính đến các yếu tố khí hậu thì sẽ làm hỏng cả công trình.
Hiện nay cửa nhôm kính, cửa nhựa... tiện dụng và phù hợp với túi tiền của nhiều người. Nhưng nếu thiết kế không tính đến mưa bão… thì khối nhôm kính ấy sẽ làm cho căn phòng thêm ngột ngạt. Ngược lại, lạm dụng trổ quá nhiều cửa sổ sẽ gây tốn kém, đồng thời hạn chế công năng của ngôi nhà vì không gian ở các mảng tường bị chiếm dụng.

Nguồn ảnh: Pinterest
Cửa sổ là mắt của nhà. Con mắt ấy phải biết nhắm - mở khi cần thiết, thậm chí biết chớp để làm duyên. Cửa sổ là gạch nối giữa riêng tư và công cộng, giữa tù túng và phóng khoáng bao dung; cửa sổ không chỉ giúp bạn kín đáo hơn với bên ngoài mà còn mở bạn ra với cuộc sống. Bạn tưởng tượng một ngày mưa trong tiết xuân, bạn mở tung cách cửa để hít hà hương bưởi trong vườn, lặng ngắm những giọt tí tách rơi trên bông hoa chiếc lá thì bộn bề lo toan sẽ vợi bớt phần nào. Bạn cứ ngồi im mà ngắm cũng đủ để chữa lành. Khi ấy, năng lượng tích cực của bạn sẽ được khai mở, sáng tạo được thắp lên nhờ những ô cửa sổ - những con mắt của nhà.
Nguồn VOV: https://vov.vn/doi-song/nha-dep/cua-so-con-mat-cua-nha-post1196637.vov