Cửa sống hẹp với môi giới bất động sản
Ngoài yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề, cá nhân hành nghề phải làm việc trong một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản... Yêu cầu này khiến những người làm môi giới bất động sản tự do (còn gọi là 'cò') hết cửa tung hoành.
Siết điều kiện làm môi giới bất động sản
Thị trường bất động sản đang xôn xao về những điểm mới trong Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Trong đó, điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản (Điều 61) thu hút sự chú ý của đông đảo thành viên thị trường bất động sản.
Cụ thể, Điều 61 quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản theo quy định và phải đáp ứng các điều kiện: phải có quy chế hoạt động dịch vụ môi giới bất động sản; phải có cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động theo quy định của Chính phủ; có tối thiểu một cá nhân có chứng chỉ môi giới bất động sản.
Ngoài ra, trước khi hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản gửi thông tin về doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh nơi thành lập doanh nghiệp để được đăng tải trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của luật này.
Đáng chú ý, điều luật này cũng quy định, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.
Sở dĩ, phải “siết” điều kiện để trở thành môi giới bất động sản là bởi trước đó, trên thị trường, một bộ phận đông đảo trong đội ngũ làm môi giới bất động sản còn yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh, dẫn đến tình trạng làm ăn “chụp giật”, không chịu trách nhiệm, gây thiệt hại cho khách hàng.
Tăng cường quản lý
Cá nhân môi giới không tự giác kê khai nộp thuế theo quy định, nhưng pháp luật hiện nay lại thiếu công cụ để kiểm soát việc này, dẫn đến tình trạng thất thu cho ngân sách nhà nước…
Số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho thấy, hiện có khoảng 200.000 người hoạt động môi giới bất động sản, song chỉ có 40.000 người có chứng chỉ môi giới bất động sản, đã trải qua quá trình đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ một cách bài bản.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho hay, thông thường, đến thời điểm thị trường bất động sản "sốt nóng", lao động từ các ngành nghề khác gia nhập thị trường môi giới với tốc độ tăng trưởng rất nhanh, bởi từ xe ôm, người bán nước tới công chức nhà nước... đều có thể tham gia kết nối thực hiện giao dịch.
“Thực tế, đây cũng chẳng phải là môi giới bất động sản đúng nghĩa. Các cá nhân này không được đào tạo, không có kiến thức hành nghề, hoạt động mang tính tự phát, không chịu sự quản lý chuyên nghiệp của bất kỳ cơ quan nào. Họ chỉ quan tâm làm sao để giao dịch diễn ra nhanh nhất, lợi dụng thời cơ thổi giá nhà đất để trục lợi, ôm hàng, lừa đảo khách hàng... gây lũng đoạn thị trường”, ông Đính nói.
Do đó, để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư hoặc người mua nhà khi tham gia giao dịch, tất cả người hành nghề tư vấn môi giới cho khách hàng phải hoàn thành đúng, đủ các quy định trước khi hoạt động, trong đó bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề môi giới.
Tuy nhiên, ông Vũ Cương Quyết, Giám đốc Công ty Đất Xanh miền Bắc cho biết, hiện nay, sở xây dựng các tỉnh là đơn vị cấp chứng chỉ môi giới bất động sản, song nhiều năm qua, không ai quản lý đội ngũ môi giới này. Từ thực tế đó, ông Quyết cho rằng, bên cạnh việc “siết” các điều kiện, cũng cần nâng cao công tác quản lý sau khi cấp chứng chỉ. “Chúng ta nên trao quyền và nâng cao vai trò của các hội bất động sản, môi giới trong vấn đề cấp chứng chỉ này”, ông Quyết kiến nghị.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/cua-song-hep-voi-moi-gioi-bat-dong-san-d204682.html