Cửa thoát hiểm cho 162 dự án BT chuyển tiếp
162 dự án BT chuyển tiếp dự kiến sẽ có phương án xử lý tháo gỡ vào tháng 10 năm nay.
Số liệu tổng hợp từ các địa phương ghi nhận 162 dự án BT chuyển tiếp, tức đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư/đã ký kết hợp đồng trước 1/1/2021, thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành.
Các vướng mắc điển hình phát sinh do quy định của luật về thanh toán cho nhà đầu tư liên quan đến giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán vượt quá giá trị công trình BT; chưa có quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nguồn vốn để bố trí ngân sách nhà nước thanh toán/bồi thường chấm dứt hợp đồng cho nhà đầu tư.
Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, vướng mắc về giá trị quỹ đất thanh toán vượt giá trị công trình xuất phát từ quy định về “nguyên tắc ngang giá” tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và cách hiểu, áp dụng nguyên tắc nêu trên đối với các dự án BT chuyển tiếp.
“Đây là nội dung vướng mắc phát sinh từ quy định của luật, do vậy cần nghiên cứu báo cáo Quốc hội phương án xử lý các vướng mắc về thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT chuyển tiếp”, Bộ Kế hoạch và đầu tư xác định.
Nhằm xử lý tháo gỡ cũng như khơi thông nguồn lực đầu tư theo phương thức đối tác công tư, trong đó có các dự án BT, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ngay trong tháng 10/2024.
Trước đó, đầu năm 2024, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đã xác định những tồn tại nổi cộm của 140 dự án BT chuyển tiếp và đưa ra phương án giải quyết. Trong đó, hơn 60% trong danh sách dự án BT chuyển tiếp đều tập trung ở lĩnh vực giao thông.
Các nhóm vấn đề vướng mắc cũng được bộ này đưa ra phương án xử lý tương ứng.
Thứ nhất, thực trạng giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán vượt quá giá trị công trình BT, thể hiện ở 3 trường hợp: hợp đồng BT ký kết chưa đúng quy định pháp luật, hợp đồng BT ký kết đúng quy định nhưng chưa rõ vị trí, mục đích sử dụng quỹ đất dự kiến thanh toán hoặc chưa đúng chủ trương thực hiện dự án mà bộ, ngành địa phương chưa xin lại ý kiến.
Đây là tình trạng diễn ra tại các dự án BT chuyển tiếp ở nhiều địa phương như Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Điện Biên, Thái Bình, Nghệ An, Khánh Hòa, Lào Cai.
Trong số này, ghi nhận không ít tên tuổi lớn trong ngành xây dựng và bất động sản đang “mắc” tại các dự án BT chuyển tiếp.
Đơn cử, liên danh Công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ Đô – Công ty CP Đầu tư ADEL – Công ty CP Bất động sản Hải Phát thực hiện dự án tôn tạo khu di tích Đền Đô và sông Tiêu Tương với tổng mức đầu tư khoảng 667 tỷ đồng.
Hợp đồng BT đã được ký kết từ năm 2016 nhưng tới nay dự án vẫn chưa khởi công. Nếu thực hiện thành công, dự án BT này sẽ mang về cho liên danh quỹ đất đối ứng 35ha. Theo công bố từ phía chủ đầu tư, dự án đối ứng có tên thương mại là khu đô thị ADEL Đình Bảng.
Tại Hà Nội, những tên tuổi lớn như Bitexco, Công ty CP thương mại Ngôi nhà mới góp mặt với dự án xây dựng đường giao thông quanh khu tưởng niệm Chu Văn An và dự án cải tạo, xây dựng hệ thống cống nối thông hồ Vục, hồ Đầu Băng và hồ Tư Đình.
Đáng chú ý, dự án quanh khu tưởng niệm Chu Văn An của Bitexco khởi công từ năm 2014 đến nay vẫn chưa hoàn thành, dù nhà đầu tư đã được thanh toán quỹ đất đối ứng khoảng 14ha.
Thậm chí, dự án của Ngôi nhà mới, liên quan mật thiết tới Tập đoàn Lã Vọng còn chưa khởi công, nhưng nhà đầu tư đã được thanh toán gần 13ha đất đối ứng.
Một trường hợp khác, Tập đoàn Phúc Sơn góp mặt tại ba dự án ở Khánh Hòa với tổng mức đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng, quỹ đất đối ứng được thanh toán dự kiến khoảng 20ha. Hai trong số ba dự án này đã hoàn thành, còn lại dự án đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội dự kiến hoàn thành năm 2025.
Tại Thái Nguyên, ghi nhận hiện diện của Tập đoàn Phúc Lộc (liên danh cùng Cienco 8) ở ba dự án BT có tổng giá trị khoảng 4.000 tỷ đồng, quỹ đất đối ứng khoảng 100ha. Tuy nhiên, cả ba dự án này đều chưa thực hiện.
Ngoài ra, danh mục 140 dự án BT chuyển tiếp chờ tháo gỡ còn gọi tên một số thương hiệu khác như Tập đoàn Hoàng Huy, Cienco 5, Công ty CP Tập đoàn Hanaka, Công ty CP Tập đoàn Dabaco, Công ty CP Tập đoàn Đất Quảng, Viglacera.