Cuba đề nghị gia nhập BRICS: bước đi chiến lược trong bối cảnh toàn cầu đa cực

Ngày 8/10, Cuba đã chính thức đệ trình yêu cầu gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) với tư cách là quốc gia đối tác.

Cuba đã chính thức đề nghị gia nhập BRICS. (Ảnh: CBN)

Cuba đã chính thức đề nghị gia nhập BRICS. (Ảnh: CBN)

Thông tin này được Vụ trưởng Các vấn đề song phương của Bộ Ngoại giao Cuba - Carlos Miguel Pereira xác nhận. Theo ông Pereira, Cuba đã gửi thông điệp chính thức đến Tổng thống Nga - Vladimir Putin để bày tỏ mong muốn trở thành đối tác của BRICS.

Trong tuyên bố của mình, ông Carlos Pereira nhấn mạnh rằng BRICS đang ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong nền chính trị toàn cầu và tôn trọng vai trò của các quốc gia Nam bán cầu.

Những quốc gia thuộc Nam bán cầu, bao gồm các nước châu Phi, Mỹ Latinh và các quốc gia đang phát triển ở châu Á, đang dần nổi lên như những tác nhân quan trọng trong việc thúc đẩy trật tự thế giới đa cực, đối trọng với sự thống trị của các cường quốc phương Tây.

Trong những năm gần đây, Nam bán cầu đã thể hiện rõ quyền lực của mình trong bối cảnh kinh tế, chính trị và quân sự thế giới có nhiều biến động. Việc Cuba mong muốn tham gia BRICS cũng phản ánh sự chuyển dịch quan trọng trong chiến lược ngoại giao của quốc gia này, khi tìm kiếm các đối tác mới ngoài khu vực truyền thống.

Trước đó, vào ngày 7/9, Đại sứ Nga tại Cuba - Viktor Koronelli đã xác nhận Cuba chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS với tư cách đối tác. Ông cũng cho biết nhà lãnh đạo Cuba Miguel Diaz-Canel đã nhận được lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS Plus/Outreach tại Kazan – một cuộc họp mở rộng dự kiến diễn ra từ ngày 22-24/10.

Trong năm 2024, Nga giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của BRICS và đóng vai trò chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh này. Đây được xem là cơ hội lớn để Cuba tham gia sâu hơn vào các hoạt động hợp tác quốc tế trong khuôn khổ BRICS, mở ra những cơ hội mới về kinh tế, thương mại và ngoại giao.

BRICS đang ngày càng nhận được sự chú ý từ các quốc gia trên toàn cầu. (Ảnh: TASS)

BRICS đang ngày càng nhận được sự chú ý từ các quốc gia trên toàn cầu. (Ảnh: TASS)

BRICS được thành lập gần 15 năm trước, bao gồm các nền kinh tế mới nổi lớn như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2023, BRICS đã quyết định mở rộng thành viên, chào đón thêm 5 quốc gia mới, nâng tổng số thành viên của nhóm lên 10. Theo dự kiến, BRICS sẽ tiếp tục thu hút thêm nhiều quốc gia khác, trong đó có các nước từ khu vực Trung Đông và châu Phi.

Việc mở rộng BRICS được cho là sẽ có tác động lớn đến cục diện khu vực và quốc tế. Các chuyên gia cho rằng, với sự gia nhập của các thành viên mới, bao gồm cả các quốc gia có tầm ảnh hưởng tại Trung Đông và châu Phi, BRICS sẽ trở thành một lực lượng đối trọng với các tổ chức quốc tế lớn do phương Tây thống trị.

Theo Tổng thống Nga - Vladimir Putin, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 34 quốc gia bày tỏ mong muốn tham gia BRICS dưới các hình thức khác nhau. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy BRICS đang ngày càng trở thành một điểm hội tụ cho những quốc gia muốn thúc đẩy hợp tác và xây dựng một trật tự quốc tế đa cực, công bằng hơn.

Việc Cuba đề nghị gia nhập BRICS có thể coi là bước đi chiến lược quan trọng, giúp quốc gia này gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế. Cuba không chỉ muốn mở rộng quan hệ kinh tế với các thành viên BRICS mà còn tìm cách tham gia sâu hơn vào các hoạt động hợp tác chính trị và ngoại giao với các quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn.

BRICS là một tổ chức có sức mạnh kinh tế và chính trị lớn và việc Cuba tham gia sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho quốc gia này, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Cuba đang tìm kiếm những động lực mới để phục hồi và phát triển sau nhiều năm bị cấm vận kinh tế.

Việc gia nhập BRICS có thể sẽ giúp Cuba có thêm sức mạnh để đối phó với các thách thức toàn cầu và khu vực, đồng thời củng cố vị thế của nước này trong cộng đồng quốc tế.

Tuấn Khang

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/cuba-de-nghi-gia-nhap-brics-buoc-di-chien-luoc-trong-boi-canh-toan-cau-da-cuc-397535.html