Cục Cảnh sát giao thông phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại Bình Dương: Giải pháp quyết liệt để hạn chế 'ma men' ra đường
Những ngày qua, Tổ Công tác số 4 của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công An) phối hợp với công an các địa phương trong tỉnh lập chốt kiểm soát xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy. Đây cũng là một trong những giải pháp quyết liệt nhằm kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) được Bộ Công an đề ra.
Tổ công tác của Cục Cảnh sát giao thông phối hợp Công an TP.Thuận An ra quân kiểm tra chuyên đề xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn, ma túy trên địa bàn. Ảnh: TÂM TRANG
Không có vùng cấm, không có ngoại lệ
Tối 25-9, P.V báo Bình Dương đã theo chân tổ công tác lập chốt kiểm soát tại ngã tư Chiêu Liêu (đường Lê Hồng Phong - Nguyễn Thị Minh Khai, TP.Dĩ An) để thực hiện lệnh kiểm soát. Theo đó, các cán bộ cảnh sát giao thông (CSGT) thực hiện việc đo nồng độ cồn ngẫu nhiên với người đi đường.
Khi lực lượng CSGT đề nghị thổi vào máy đo nồng độ cồn, đa phần người dân hợp tác vui vẻ. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp biết mình vi phạm nên tránh né bằng cách không thổi vào máy hoặc ngậm miệng lại. Một số trường hợp bỏ đi, không chịu ký biên bản vi phạm.
Theo ghi nhận của P.V, thời điểm thành viên tổ công tác ra hiệu dừng xe mô tô để kiểm tra, khi thổi vào máy cồn hiện lên mức 0,538mg/L, ông Lê Đức T., người điều khiển xe mô tô chở theo vợ có bầu và con gái, hết lời năn nỉ xin bỏ qua với lý do “nhà có việc nên uống mấy ly bia”. Khi cán bộ CSGT giải thích về việc đã uống bia, lại chở thêm bà bầu và em bé ra đường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Sau một lúc xin bỏ qua lỗi không được, ông T. lớn tiếng nói sẵn sàng bỏ xe, rồi ông quay sang kiếm chuyện với P.V tác nghiệp. Ngay lập tức tổ công tác bố trí lực lượng giải thích, vận động và tuyên truyền đến trường hợp này.
Một trường hợp khác là ông N.V.S bị lực lượng CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn cũng vi phạm ở mức cao. Khi lực lượng chức năng yêu cầu xuất trình giấy tờ theo quy định, ông V. cũng đưa thẻ ra vào cổng một cơ quan báo chí tại TP.Hồ Chí Minh để xin bỏ qua nhưng vẫn bị xử lý.
Lực lượng CSGT kiểm tra ngẫu nhiên nồng độ cồn với người tham gia giao thông vào tối 25-9 trên địa bàn TP.Dĩ An. Ảnh: QUỲNH ANH
Đại diện tổ công tác cho biết mặc dù các địa phương đã quyết liệt xử lý nhưng vẫn còn nhiều trường hợp người dân rất chủ quan nên vi phạm về nồng độ cồn. Trong đợt ra quân lần này, tổ công tác phối hợp với các địa phương trực tiếp kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Ngoài việc lập biên bản xử phạt theo quy định, cơ quan chức năng còn gửi thông báo đến cơ quan, đơn vị, với các cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức vi phạm để có hình thức xử lý tiếp theo. Quan điểm của tổ công tác là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong xử phạt. Những ngày tới, tổ công tác tiếp tục kiểm tra đột xuất tại các địa phương và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Chú trọng công tác tuyên truyền
Thượng tá Nguyễn Thị Thanh Nga, Phó Trưởng phòng CSGT CA tỉnh, cho biết ngay từ đầu năm, Phòng CSGT tỉnh đã ban hành Kế hoạch 52/KH-CAT-PC08 về xử lý nghiêm các vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, nhất là các vụ TNGT có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn. Song song đó, Phòng CSGT cũng triển khai đến lực lượng CSGT toàn tỉnh thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các kế hoạch về bảo đảm TTATGT của Bộ Công an.
Theo đánh giá từ lực lượng làm nhiệm vụ, hiện nay hầu hết người dân đều “dè dặt” ra đường sau khi đã uống rượu, bia vì sợ bị phạt. Bên cạnh việc xử phạt nghiêm để răn đe thì công tác phối hợp với các ban, ngành để tuyên truyền được chú trọng, đặc biệt là trong công ty, xí nghiệp, vì đây là lực lượng trẻ, thường xuyên tham gia giao thông. Ngoài ra, lực lượng CSGT toàn tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại các nhà hàng, quán ăn, trường đại học, trung tâm giáo dục các biện pháp bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông. Đối với tài xế, chủ phương tiện cũng được vận động ký cam kết không vi phạm TTATGT.
Trong 9 tháng năm 2023, qua triển khai chuyên đề “Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và công nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện 25.119 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 475 trường hợp điều khiển xe ô tô, 24.644 trường hợp đi mô tô; phạt tiền hơn 149 tỷ đồng. Trong đó, vi phạm về nồng độ cồn 25.072 trường hợp; vi phạm về ma túy 47 trường hợp, lực lượng chức năng đã tước có thời hạn 25.119 giấy phép lái xe, tạm giữ 25.119 phương tiện.