Cục Dân số: Mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ làm thiếu hụt lực lượng lao động
Việt Nam đang phải đối mặt với mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay.
Bên cạnh những lợi thế, cơ hội mà thành tựu giảm sinh trong thời gian qua mang lại, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức mới nảy sinh: Việc duy trì mức sinh thay thế vững chắc trên phạm vi toàn quốc chưa thực sự bền vững, mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, xuất hiện xu hướng mức sinh thấp.
Nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số… tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Thông tin trên được ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) đưa ra tại Hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp được tổ chức ngày 28/8 tại Hà Nội.
Khu vực đô thị có mức sinh con rất thấp
Ông Lê Thanh Dũng cho biết thời gian qua, công tác dân số đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 khi tổng tỉ suất sinh (TFR) là 2,09 con/phụ nữ. Kết quả đó góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu dân số theo hướng tích cực, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 tạo cơ hội cho nền kinh tế bứt phá, phát triển nhanh. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Dân số được phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, cơ hội mà thành tựu giảm sinh trong thời gian qua mang lại, Việt Nam đang phải đối mặt với mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
“Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển. Theo vùng kinh tế-xã hội, hiện có 02/6 vùng là Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế. Theo các tỉnh, thành phố, đã có tới 21/63 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chiếm khoảng 39,37% dân số cả nước; hầu hết là những tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh. Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đô thị hóa ngày càng nhanh, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, xu hướng mức sinh xuống thấp sẽ càng được củng cố, lan rộng,” Cục trưởng Cục Dân số phân tích.
Ông Phạm Vũ Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Dân số dẫn chứng tuổi kết hôn trung bình lần đầu thay đổi theo hướng kết hôn muộn hơn: Tăng từ 24,1 tuổi (năm 1999) lên 25,2 tuổi (2019); đến năm 2023 tuổi kết hôn lần đầu tiếp tục tăng thêm 2 tuổi và hiện là 27,2 tuổi. Với nam giới, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 29,3 và nữ giới là 25,1. Cùng đó, phụ nữ thành thị sinh muộn và sinh con ít hơn phụ nữ nông thôn.
Theo ông Hoàng, mức sinh ngày càng giảm là do đô thị hóa, kinh tế phát triển, áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con.
Bên cạnh đó, hạ tầng, dịch vụ cơ sở có nhiều bất cập đối với khu công nghiệp, khu kinh tế. Đặc biệt, học vấn, điều kiện sống ngày càng được cải thiện khiến nhiều người có tâm lý thích hưởng thụ mà không muốn sinh con.
Lãnh đạo Cục Dân số cho hay Bộ Y tế đang nghiên cứu các đề xuất các chính sách, giải pháp để bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia. Hội thảo là dịp cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định cũng như thực thi chính sách; tham khảo quan điểm và chính sách ứng phó với mức sinh thấp của các nước trên thế giới, từ đó đưa ra định hướng chung trong xây dựng chính sách nhằm duy trì mức sinh thay thế tại Việt Nam.
Cần có chính sách kinh tế xã hội và dân số đột phá
Phân tích về những giải pháp đồng bộ về phát triển bền vững các vấn đề xung quanh công tác dân số, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân - Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo nếu Việt Nam không có đột phá chính sách kinh tế xã hội và chính sách dân số thì mức sinh của Việt Nam tiếp tục giảm sâu, đi theo con đường của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản như hiện nay.
Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân nhận định Việt Nam vẫn còn thời gian chuẩn bị để kịp "nhấc" mức sinh lên. Đó là người dân Việt Nam vẫn hướng về truyền thống gia đình Việt Nam, đa số thanh niên hiện nay vẫn mong muốn kết hôn khi trưởng thành và muốn có 2 con. Nếu có chính sách phát triển bền vững, tạo điều kiện cho thanh niên lập gia đình, sinh con, nuôi con thuận lợi thì sau 20-30 năm nữa các thế hệ tiếp theo vẫn duy trì được mức sinh cần thiết.
Liên quan đến việc xây dựng các chính sách chiến lược trong thời gian tới, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng để phát triển dân số bền vững, mỗi gia đình sinh đủ 2 con, thì thu nhập của 1 gia đình 2 người đi làm phải nuôi được 4 người (2 người lớn, 2 trẻ con). Vì vậy, cần có các chính sách phù hợp chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người. Bên cạnh đó là các yếu tố khác như thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng tư.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh quan điểm của Nghị quyết 21-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII, đó là: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển.”
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng, Nhà nước về công tác dân số, nhất là giải pháp duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc theo Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các sở y tế, cơ quan dân số các cấp nỗ lực hơn nữa, chủ động triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao để hoàn thành các mục tiêu mục tiêu Nghị quyết 21-NQ/TW của Đảng, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và đặc biệt là Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030.
“Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với xu thế mức sinh xuống thấp, do vậy, Bộ Y tế rất mong các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam giải quyết vấn đề này,” Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh./.