Cục diện Syria đối với người Mỹ - 'Bất chiến tự nhiên thành'

Mùa xuân Ả Rập 2.0 ở Syria đã diễn ra một cách chóng vánh. Khởi chiến vào ngày 27/11, song đến ngày 8/12, các nhóm phiến quân đã tiến vào Damascus mà không vấp phải sự kháng cự quyết liệt nào từ quân chính phủ và lực lượng đồng minh. Đối với người Mỹ, đây có lẽ là thành công rất lớn mà không phải bỏ ra quá nhiều sức lực.

Lợi ích của Mỹ ở Syria

Lợi ích của Mỹ ở Syria

Trong vấn đề Syria, chủ trương của Mỹ là khai thác lợi ích ở những khu vực mà Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với nòng cốt là người Kurd kiểm soát. Kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra, dân tộc thiểu số người Kurd ở Syria kết hợp chặt chẽ với Mỹ trong cuộc chiến chống lại Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, dưới ngọn cờ của SDF. Sau khi IS bị đánh bại, các lực lượng do người Kurd lãnh đạo đã củng cố quyền kiểm soát các thị trấn phía đông bắc, nỗ lực mở rộng vùng lãnh thổ chiếm đóng. Tuy nhiên, mục đích này của SDF và Mỹ đã gặp nhiều trở ngại do sự hỗ trợ của Nga - Iran đối với Quân đội Ả Rập Syria (SAA) từ năm 2015, giúp lực lượng chính phủ Syria và quân đồng minh lật ngược cục diện chiến trường và giành lại quyền kiểm soát nhiều thành phố chiến lược. Ngoài ra, người Kurd tại Syria vẫn phải đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ, khi Ankara coi họ có liên quan tới cuộc nổi dậy đòi ly khai của người Kurd tại nước này.

Nhưng những bước tiến nhanh chóng của liên minh các nhóm đối lập Syria gần đây đã đột ngột thay đổi cục diện chính trị tại Syria sau 5 thập niên do nhà Assad cầm quyền. Một liên minh các nhóm đối lập tại Syria, đứng đầu là Hayat Tahrir al-Sham (HTS), Quân đội Syria Tự do (FSA) đã mở một đợt tấn công chớp nhoáng và bất ngờ, tiến vào Damascus mà không vấp phải sự phản kháng quyết liệt nào từ lực lượng chính phủ. Tình hình này cũng đã tạo thời cơ thuận lợi để lực lượng vũ trang người Kurd mở rộng địa bàn kiểm soát của mình. Ngày 7/12, nguồn tin từ chiến sự Syria cho biết, SDF đã kiểm soát tỉnh Deir ez-Zor chiến lược, với nguồn dầu mỏ dồi dào. Ngoài ra, người Kurd cũng đã chiếm giữ cửa khẩu Al-Bukamal có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược trên biên giới Syria-Iraq. Điều này đã giáng đòn mạnh vào nỗ lực của Chính quyền Syria và Iran nhằm bảo đảm nguồn cung cấp cho các lực lượng đồng minh trong khu vực, đồng thời có thể thay đổi hoàn toàn cán cân chiến lược ở miền Đông Syria.

Với Mỹ, những diễn biến gần đây ở Syria có thể được xem là một chiến thắng, mặc dù không cần phải bỏ quá nhiều công sức. Cơ sở cho nhận định này xuất phát từ 3 yếu tố chính là. Thứ nhất, các nhóm phiến quân đối lập đã lật đổ Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, vốn luôn bị Mỹ coi là “cái gai trong mắt”. Thứ hai, tình hình ở Syria hiện nay đồng nghĩa với việc tiến trình hòa bình ở Syria mà Nga - Iran luôn nỗ lực thúc đẩy đã thất bại hoàn toàn. Việc Chính quyền Tổng thống al-Assad bị lật đổ có thể sẽ khiến Nga phải đóng cửa các căn cứ ở Syria và con đường trao đổi giữa Iran và lực lượng Hezbollah ở Lebanon sẽ bị cắt đứt. Thứ ba, nếu so với Nga, Iran và Chính quyền Assad, rõ ràng việc thỏa hiệp với một chính phủ chuyển tiếp do HTS kiểm soát hay mặc cả lợi ích với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ về ảnh hưởng chính trị của cộng đồng người Kurd ở Syria sẽ là phương án thuận lợi hơn cho Mỹ.

Trong khi đó, với Tổng thống al-Assad, có lẽ ông nên tự trách mình. Sau nhiều năm giao tranh, chính phủ Syria đã giành lại phần lớn lãnh thổ dưới sự giúp đỡ của Nga, Iran và lực lượng Hezbollah tại Lebanon. Chính quyền Tổng thống al-Assad có quá nhiều thời gian để thỏa hiệp với các lực lượng đối lập, đàm phán nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ từ các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là củng cố sức mạnh quân đội nhằm duy trì sự kiểm soát chặt chẽ tại các thành phố chiếm đóng. Tuy nhiên, tất cả điều này đều không thành hiện thực. Trong bối cảnh các đồng minh của Chính quyền Syria đang bị phân tâm bởi nhiều cuộc xung đột khác (với Nga là cuộc xung đột ở Ukraine, với Iran là chiến thắng của một tổng thống theo đường lối ôn hòa Pezeshkian chủ trương đối thoại với phương Tây hay với Hezollah là những thiệt hại trong cuộc đối đầu với Israel), sự yếu kém của lực lượng chính phủ Syria nhanh chóng thất bại trước đòn tấn công chớp nhoáng, bất ngờ, từ nhiều phía của các nhóm phiến quân đối lập là điều dễ hiểu.

Thời cơ và thách thức đang chờ đợi tân Tổng thống Donald Trump

Thời gian tới, một chính phủ chuyển tiếp do HTS kiểm soát có thể sẽ được thành lập ở Syria. Không loại trừ khả năng một nội các gồm các bộ trưởng có tính bao trùm hơn sẽ được hình thành, cho dù HTS khó có thể đồng ý chia sẻ quyền lực bình đẳng với các lực lượng khác. Nội các mới có thể bao gồm đại diện của các lực lượng đối lập như SNA, hay thậm chí một số qua chức trong chính quyền Assad có thể sẽ được giữ lại trong chính phủ chuyển tiếp.

Trong khi đó, thách thức mà Tổng thống Donald Trump sẽ gặp phải trong nhiệm kỳ thứ hai là làm thế nào để thỏa hiệp với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vấn đề người Kurd ở Syria. Một mặt, sự hỗ trợ của Mỹ dành cho người Kurd trong cuộc chiến chống IS ở Syria bắt đầu dưới thời Tổng thống Barack Obama, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ lên án mạnh mẽ. Tuy nhiên, dưới thời Donald Trump, việc cung cấp vũ khí cho người Kurd ở Syria vẫn tiếp tục. Mặt khác, bản thân ông Trump hoan nghênh cuộc chiến của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại Đảng Công nhân người Kurd (PKK), mặc dù ở Ankara, cộng đồng người Kurd ở Syria được coi là một nhánh của PKK.

Rõ ràng, có những hy vọng về việc cải thiện quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump, không chỉ dựa trên kinh nghiệm làm việc giữa hai nhà lãnh đạo trước đây, mà còn những tuyên bố đáng khích lệ của đảng Cộng hòa về nhiều vấn đề. Giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ có trải nghiệm cực kỳ khó chịu khi tiếp xúc với Chính quyền của Tổng thống Joe Biden - ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông đã công nhận cái chết hàng loạt của người Armenia ở Đế chế Ottoman là tội diệt chủng; hay Chính quyền Biden gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ vì lập trường của nước này liên quan đến NATO và các lệnh trừng phạt chống Nga...

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, nhiều vấn đề căng thẳng giữa hai nước có thể được quy cho một quốc hội chống tổng thống, thì lần này đảng Cộng hòa sẽ gặp ít trở ngại hơn, vì nắm giữ đa số ở cả Thượng viện và Hạ viện. Bên cạnh đó, ở Mỹ những nhà vận động hành lang chống Thổ Nhĩ Kỳ của người Armenia và Hy Lạp có nhiều ảnh hưởng đối với đảng Dân chủ hơn là đảng Cộng hòa.

Chủ nghĩa thực dụng của Tổng thống Donald Trump, cùng với sự ủng hộ từ Quốc hội, cũng như yếu tố “nội bộ” trong chính quyền, tạo cơ sở để cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng, một số vấn đề mang tính hệ thống vẫn còn tồn tại giữa hai quốc gia đồng minh này. Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng đa dạng hóa chính sách đối ngoại của mình. Ankara không có ý định hy sinh các dự án kinh tế, năng lượng và cơ sở hạ tầng quan trọng nhất với Nga và Trung quốc bằng cách hội nhập vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hay Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS). Trường hợp Syria có thể trở thành yếu tố “vừa hợp tác, vừa đề phòng” giữa hai nước nếu các bên không chịu thỏa hiệp về vấn đề người Kurd. Khả năng leo thang ở Idlib có thể làm xấu đi quan hệ vốn đã phức tạp giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, không có lợi cho Chính quyền Tổng thống Erdogan. Ngược lại, nếu Tổng thống Donald Trump không chịu thỏa hiệp, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngày càng trở nên “khó bảo” hơn, đi ngược lại lợi ích của các đồng minh NATO, từ đó làm xói mòn những lợi ích của Mỹ ở khu vực và thế giới.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/cuc-dien-syria-doi-voi-nguoi-my-bat-chien-tu-nhien-thanh-232907.htm