Cục Đường bộ yêu cầu lên phương án xóa ùn tắc cửa ngõ ra, vào TP.HCM dịp 30-4

Cục Đường bộ yêu cầu các tỉnh thành và doanh nghiệp đầu tư BOT lên phương án giải tỏa ùn tắc giao thông, kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Cục Đường bộ vừa có văn bản gửi đến các đơn vị trực thuộc, Sở Xây dựng các tỉnh, nhà đầu tư dự án BOT, doanh nghiệp kinh doanh vận tải yêu cầu đảm bảo tốt giao thông đường bộ dịp 30-4 và 1-5.

Cụ thể, với các dự án đường bộ đang thi công, cục yêu cầu bố trí người hướng dẫn phương tiện lưu thông, đảm bảo các trục chính vào thành phố, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM được thông suốt.

Nhà thầu thi công phải có kế hoạch bố trí cán bộ, nhân viên, người lao động trực, gác, hướng dẫn, điều tiết giao thông trong trường hợp cần thiết.

Với các dự án BOT, Cục Đường bộ yêu cầu doanh nghiệp thực hiện biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại trạm thu phí, có biện pháp ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn.

Thêm vào đó, cùng lực lượng chức năng có phương án phân luồng, điều tiết giao thông hợp lý, khi cần thiết mở cửa trạm để xử lý ùn tắc giao thông theo quy định. Song song đó, giải tỏa các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, đặc biệt trên các cửa ngõ ra, vào thủ đô Hà Nội, TP.HCM và các địa điểm du lịch lớn.

Công ty TNHH Thu phí tự động VETC, Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) được giao kiểm tra, bảo đảm việc thu phí được ổn định, bố trí cán bộ trực 24/7, kịp thời xử lý các tình huống, sự cố (nếu có) tại các trạm thu phí.

Cục Đường bộ cũng yêu cầu các tỉnh, thành công bố đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân về tình hình giao thông. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trên các tuyến đường để kịp thời ngăn chặn, xử lý tình trạng xe dù, bến cóc, sang nhượng khách và các hành vi trái quy định.

 Cục Đường bộ yêu cầu đảm bảo thông thoáng cửa ngõ ra vào khu vực TP.HCM và Hà Nội. Ảnh: V.LONG

Cục Đường bộ yêu cầu đảm bảo thông thoáng cửa ngõ ra vào khu vực TP.HCM và Hà Nội. Ảnh: V.LONG

Tại các bến xe, địa phương cần lên kế hoạch vận tải hành khách, yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết công khai giá vé. Có biện pháp phòng chống đầu cơ, buôn bán vé, không để tình trạng tăng giá vé trái quy định.

Cục nghiêm cấm việc thu phí vệ sinh tại bến, yêu cầu các quầy dịch vụ trong bến xe cam kết không tăng giá dịch vụ và luôn nâng cao công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đối với doanh nghiệp vận tải, các tỉnh thành cần chỉ đạo doanh nghiệp tuyệt đối không đưa phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật tham gia giao thông; quán triệt, phổ biến cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe thực hiện đúng quy định về thời gian lái xe, tuyệt đối không lái xe khi có nồng độ cồn.

Doanh nghiệp vận tải cũng cần duy trì hoạt động, truyền dẫn đầy đủ, chính xác, kịp thời dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, từ camera. Đồng thời, bố trí nhân sự, tăng cường công tác theo dõi, sử dụng dữ liệu truyền về từ thiết bị giám sát hành trình, từ camera trên các phương tiện của đơn vị để quản lý, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những hành vi vi phạm.

Ngoài ra, chủ doanh nghiệp phải quán triệt đến các lái xe, nhân viên phục vụ trên xe về ý thức, nhận thức luôn cảnh giác, đề phòng, nhận diện các nguy cơ có thể xảy ra trong công tác phòng, chống khủng bố, gian lận thương mại, buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng nguy hiểm… trước, trong và sau quá trình vận chuyển.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/cuc-duong-bo-yeu-cau-len-phuong-an-xoa-un-tac-cua-ngo-ra-vao-tphcm-dip-30-4-post846004.html