Hà Nội: Làm gì để hạn chế ùn tắc giao thông?

Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 9,2 triệu phương tiện lưu thông khiến nhiều tuyến đường của Thủ đô bị ùn tắc kéo dài. Để kéo giảm tình trạng này, một trong những giải pháp căn cơ nhất là hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

Hạ tầng tăng chậm, lượng xe cá nhân tăng mạnh

Tổng kết quý 1/2025, Sở Xây dựng cho biết, Hà Nội có 36 điểm ùn tắc giao thông thường xuyên trong giờ cao điểm, hơn 230 điểm có nguy cơ ùn tắc cao.

Tuyến đường Vành đai 3 trên cao và dưới thấp thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Ảnh: Lê Khánh.

Tuyến đường Vành đai 3 trên cao và dưới thấp thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Ảnh: Lê Khánh.

Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Hữu Bảo: "Phương tiện cá nhân tăng rất nhanh làm quá tải kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những nguyên nhân chủ yếu. Đặc biệt là xe ô tô cá nhân đang tăng khoảng 10%/năm, cao gấp hơn 30 lần tốc độ gia tăng đất dành cho giao thông, gây ùn tắc giao thông cho Hà Nội".

Thạc sĩ Quản lý đô thị Trần Tuấn Anh cho rằng: "Với tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân, sự quá tải đến ngặt nghèo mật độ giao thông, không một hệ thống hạ tầng nào đuổi theo kịp để đáp ứng. Ùn tắc giao thông của Hà Nội sẽ ngày càng diễn biến phức tạp hơn”.

Theo Thạc sĩ Trần Tuấn Anh vấn đề cốt lõi của Hà Nội là số lượng phương tiện cá nhân quá lớn, tốc độ gia tăng vượt xa khả năng đáp ứng của hạ tầng. Muốn giảm ùn tắc giao thông cần tập trung vào nhiệm vụ lớn nhất là hạn chế sự gia tăng và mức độ sử dụng phương tiện cá nhân.

5 nhóm giải pháp hạn chế xe cá nhân

Chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Tài Chính Hà Nội (trước đó là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) cho biết, Thủ đô Hà Nội đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về giao thông đô thị, nổi bật nhất là tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và quá tải hạ tầng.

"Nguyên nhân chủ yếu là do sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cá nhân. Nhiều năm qua, Hà Nội đã và đang triển khai hàng loạt giải pháp cụ thể hướng tới xây dựng hệ thống giao thông bền vững và hiệu quả hơn, nhưng thực tế còn nhiều thách thức lớn, thành phố phải kiên trì, bền bỉ mới giải quyết được", ông Lê Trung Hiếu nói.

Ông Hiếu cho rằng, hiện nay Hà Nội đang đặt mục tiêu giảm dần và tiến tới dừng sử dụng xe máy trong nội đô vào năm 2030 (theo Đề án của UBND TP đã được HĐND TP thông qua). Đây là một trong những chính sách mang tính bước ngoặt, nhưng cũng đi kèm nhiều khó khăn, vì thực tế chưa thể cấm hoặc hạn chế phương tiện cá nhân khi chưa đáp ứng được vận tải hành khách công cộng.

Người dân đi tàu điện Nhổn- Ga Hà Nội. Ảnh: Lê Khánh.

Người dân đi tàu điện Nhổn- Ga Hà Nội. Ảnh: Lê Khánh.

"Trong khi đó, vận tải hành khách công cộng hiện nay chưa đáp ứng được thời gian di chuyển, chưa phát triển đúng tầm để thay thế phương tiện cá nhân, nhất là ở các khu vực ngoại thành; cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng còn rời rạc; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan còn lúng túng; người dân còn e ngại chất lượng dịch vụ", ông Hiếu nói thêm.

Đề ra giải pháp, ông Lê Trung Hiếu cho rằng, Hà Nội cần tập trung vào 5 nhóm giải pháp: Hoàn thiện chính sách và định hướng chiến lược giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân; phát triển giao thông công cộng làm nền tảng thay thế; triển khai hệ thống thu phí phương tiện vào nội đô, hình thành các "vùng phát thải thấp"; quản lý chặt bãi đỗ xe và hạ tầng hỗ trợ; tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi sử dụng phương tiện đi lại của người dân.

"Trong 5 nhóm giải pháp này, giải pháp quan trọng nhất là xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng đủ mạnh và thuận tiện để người dân tự nguyện từ bỏ xe cá nhân. Đặc biệt, cần gấp rút đầu tư, hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị theo Đề án đã được Chính phủ và Quốc hội thông qua.

Hà Nội xác định mục tiêu đến năm 2035 sẽ hoàn thành ít nhất 10 tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khi mạng lưới Metro hoàn chỉnh, tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng có thể đáp ứng từ 50 - 55% nhu cầu của cư dân đô thị. Lúc đó, người dân sẽ thấy rõ sự thuận tiện, rẻ, văn minh, hiện đại hơn và sẽ tự chuyển đổi từ xe cá nhân sang vận tải hành khách công cộng", Phó Giám đốc Lê Trung Hiếu nói.

Ngoài ra, theo ông Hiếu, Hà Nội cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch, chú trọng đến giao thông phi cơ giới, tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ và xe đạp, khuyến khích sử dụng các phương thức di chuyển thân thiện với môi trường. Đồng thời, công tác tuyên truyền cũng giữ vai trò quyết định sự thành bại của chính sách. Công tác tuyên truyền phải đi trước, làm rõ cho người dân hiểu lợi ích của việc hạn chế xe cá nhân, tích cực sử dụng vận tải hành khách công cộng để giảm ùn tắc.

Lê Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ha-noi-lam-gi-de-han-che-un-tac-giao-thong-10304335.html