Cục Đường bộ yêu cầu một số địa phương tập trung ứng phó mưa lũ

Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các địa phương miền Bắc, Bắc Trung Bộ và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, chủ động ứng phó mưa lũ, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an toàn giao thông và công trình.

Trước nguy cơ mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét và ngập lụt cục bộ diễn ra trên diện rộng tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ, Cục Đường bộ (Bộ Xây dựng) vừa có văn bản gửi các Sở Xây dựng, Khu Quản lý đường bộ, doanh nghiệp BOT, Tổng công ty VEC cùng các đơn vị liên quan, yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó, phòng chống thiên tai và bảo đảm an toàn giao thông.

Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết cực đoan tiếp tục diễn biến phức tạp trong những ngày tới, với mưa lớn cường độ cao có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông, nhà cửa và các công trình xây dựng.

 Sạt lở tại tỉnh Yên Bái. Ảnh: yenbai.gov.vn

Sạt lở tại tỉnh Yên Bái. Ảnh: yenbai.gov.vn

Lập đoàn kiểm tra, ứng phó thiên tai

Trước tình hình đó, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo tại Công điện số 70/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 23-5) và Công điện số 20/CĐ-BXD của Bộ Xây dựng (ngày 24-5) về phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Cụ thể, Cục yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nội dung chỉ đạo nêu trên. Đồng thời, các Khu Quản lý đường bộ, nhà đầu tư BOT, VEC cần thành lập đoàn kiểm tra tình hình chuẩn bị và ứng phó thiên tai, tập trung vào các nội dung: triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai năm 2025; kiểm tra phương án “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”; đánh giá kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các điểm xung yếu, đã từng hư hỏng hoặc có nguy cơ cao sạt lở, ngập lụt.

Công tác phối hợp liên ngành cũng được nhấn mạnh. Các đơn vị cần xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp ứng phó thiên tai, đảm bảo giao thông với các lực lượng tại địa phương.

Đồng thời, xây dựng các phương án đảm bảo lưu thông khi xảy ra thiên tai, nhất là trên các tuyến quốc lộ trọng yếu, khu vực đèo dốc, đường độc đạo.

Đảm bảo an toàn công trình, an toàn lao động và phương tiện

Các đơn vị phải tổ chức theo dõi thường xuyên tình trạng an toàn của các cầu trong vùng mưa lớn, xử lý kịp thời các hư hỏng, cắm đầy đủ biển báo, rào chắn và biển cấm tại các vị trí nguy hiểm như ngầm tràn, đoạn ngập nước, sạt lở đất đá…

Đặc biệt, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại tại các điểm không đảm bảo an toàn. Đối với các dự án đang thi công, yêu cầu rà soát, có biện pháp đảm bảo an toàn công trình, an toàn lao động và phương tiện.

Các đơn vị phải rà soát vật tư, thiết bị, máy móc dự phòng tại chỗ, bảo quản và cấp phát đúng mục tiêu để ứng phó nhanh khi có tình huống phát sinh.

Trường hợp xảy ra sạt lở lớn, ách tắc giao thông, phải cử ngay lãnh đạo đến hiện trường, triển khai phân luồng và khắc phục khẩn trương.

Riêng các Sở Xây dựng cần kiểm tra toàn bộ các bến phà, cầu phao, phương tiện vượt sông đang quản lý, kiên quyết đình chỉ các bến đò ngang trái phép, không đủ điều kiện an toàn.

Các phương tiện hoạt động trên sông phải đảm bảo kỹ thuật, có đầy đủ thiết bị cứu sinh và không được vận chuyển hành khách khi thời tiết xấu.

XUÂN NGUYỄN

Nguồn PLO: https://plo.vn/cuc-duong-bo-yeu-cau-mot-so-dia-phuong-tap-trung-ung-pho-mua-lu-post851564.html