Cục Hóa chất - Bộ Công Thương: 16 năm với những dấu ấn quan trọng

Nhìn lại chặng đường 16 năm xây dựng và phát triển, Cục Hóa chất từng bước đưa ngành công nghiệp hóa chất phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Nhìn lại 16 năm hình thành và phát triển

Ngày 02/1/2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 01/QĐ-TTg thành lập Cục Hóa chất (Vietnam Chemicals Agency – VINACHEMIA), sau khi Luật Hóa chất năm 2007 có hiệu lực. Ngay từ khi thành lập, Cục Hóa chất đã tập trung ngay vào việc ổn định tổ chức, phát triển đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất. Đồng thời, tập trung vào việc xây dựng bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quản lý hóa chất làm cơ sở cho công tác quản lý nhà nước về hóa chất, từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách, pháp luật về hóa chất.

Nhìn lại chặng đường 16 năm xây dựng và phát triển, Cục Hóa chất đã từng bước đưa ngành công nghiệp hóa chất phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế (Ảnh: ST)

Nhìn lại chặng đường 16 năm xây dựng và phát triển, Cục Hóa chất đã từng bước đưa ngành công nghiệp hóa chất phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế (Ảnh: ST)

Chức năng, nhiệm vụ của Cục Hóa chất đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ tại Quyết định số 2631/QĐ-BCT ban hành ngày 2/12/2022. Theo đó, Cục Hóa chất là tổ chức trực thuộc Bộ Công Thương, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với hoạt động hóa chất; phát triển ngành công nghiệp hóa chất. Có nhiệm vụ xây dựng để Bộ trưởng Bộ Công Thương trình cấp có thẩm quyền quyết định, ban hành dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Dự thảo Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động hóa chất; xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển, trung hạn, dài hạn về công nghiệp hóa chất quốc gia…

Nhìn lại chặng đường hơn 16 năm xây dựng và phát triển vừa qua, Cục Hóa chất luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ Công Thương giao, tạo được những dấu ấn trong quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất, từng bước đưa ngành công nghiệp hóa chất phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Điểm đáng ghi nhận, năm 2023, Cục Hóa chất đã hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Hóa chất và gửi Bộ Tư pháp tổng hợp để Chính phủ trình Quốc hội xem xét. Ngày 18/12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, đối với 4 dự án luật, trong đó có Luật Hóa chất (sửa đổi). Đến nay, dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) đã cơ bản hoàn thiện, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Đến nay, Cục Hóa chất đã hoàn thiện việc xây dựng và ban hành Nghị định 33/2024/NĐ-CP quy định việc thực hiện Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học để thay thế Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học. Nghị định 33/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 19/5/2024.

Liên quan đến công tác xây dựng chiến lược phát triển ngành, Cục Hóa chất đã chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 726/QĐ-TTg ngày 16/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong năm 2024, thực hiện Quyết định số 1165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 vào ngày 9/10/2023, giao cho Bộ Công Thương chủ trì, hiện Cục Hóa chất đã xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam và xin ý kiến của các cơ quan liên quan để hoàn thiện.

Về công tác hợp tác quốc tế, những năm qua luôn được lãnh đạo Cục Hóa chất quan tâm. Cụ thể, những tháng đầu năm 2024, Cục Hóa chất đã cử 11 đoàn công tác tham dự các hội nghị và hội thảo quốc tế tại nhiều quốc gia. Các chuyến công tác này đã góp phần tăng cường sự hiện diện và đóng góp của Việt Nam trong các diễn đàn quốc tế về quản lý hóa chất, đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ. Cục Hóa chất cũng đã tham gia các hội thảo quan trọng như Hội thảo về tăng cường ứng phó sự cố hóa chất do OPCW tổ chức tại Malaysia; Hội nghị về an ninh hóa chất tại Hà Lan và Đối thoại Hóa chất lần thứ 32 tại APEC Peru 2024.

Ngoài ra, Cục Hóa chất đã tích cực triển khai và theo dõi nhiều dự án hợp tác quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2024, thực hiện tốt vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia trong việc triển khai các công ước quốc tế về hóa chất…

Cục Hóa chất tham gia Đối thoại hóa chất lần thứ 33 trong khuôn khổ APEC 2024 tại Peru (Ảnh: Cục Hóa chất)

Cục Hóa chất tham gia Đối thoại hóa chất lần thứ 33 trong khuôn khổ APEC 2024 tại Peru (Ảnh: Cục Hóa chất)

10 kế hoạch và giải pháp trọng tâm

Về nhiệm vụ những tháng cuối năm, đại diện Cục Hóa chất cho biết tập trung vào 10 kế hoạch và giải pháp, bao gồm: Thứ nhất, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và chiến lược, cụ thể tập trung hoàn thiện hồ sơ Luật Hóa chất (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 05A:2020/BCT về bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất. Phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của các văn bản nêu trên.

Thứ hai, cải cách hành chính và thực hiện Chính phủ điện tử thông qua việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phấn đấu 100% thủ tục hành chính đạt mức độ 4. Nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hóa chất. Tiến hành rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính không cần thiết. Xây dựng cơ chế phản hồi và đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp đối với dịch vụ công trong lĩnh vực hóa chất.

Thứ ba, phát triển ngành và hỗ trợ doanh nghiệp thông qua tổ chức các hội nghị đối thoại định kỳ giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn, vướng mắc. Xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ sạch, an toàn trong sản xuất hóa chất.

Thứ tư, quản lý hóa chất và tiền chất công nghiệp thông qua việc tăng cường phối hợp liên ngành trong quản lý, kiểm soát hóa chất nguy hiểm và tiền chất. Tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất về an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất. Nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về hóa chất, đảm bảo cập nhật thông tin kịp thời.

Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hợp tác quốc tế như NACAG, POPs giai đoạn 2. Tổ chức đoàn công tác học hỏi kinh nghiệm quản lý hóa chất tại Nhật Bản. Tăng cường tìm kiếm nguồn hỗ trợ quốc tế cho công tác sửa đổi Luật Hóa chất. Xây dựng đề xuất Đề án tăng cường thực thi hiệu quả các công ước quốc tế về hóa chất.

Thứ sáu, thanh tra, kiểm tra và truyền thông: Cụ thể, Cục Hóa chất sẽ hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024 theo tiến độ đã phê duyệt. Tăng cường công tác hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hóa chất, phối hợp với các cơ quan truyền thông để tăng cường đưa tin về quản lý an toàn hóa chất.

Thứ bảy, công tác tổ chức và nhân sự: Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức thông qua việc điều chuyển công chức, tiếp nhận và bổ nhiệm viên chức lãnh đạo. Xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ giữa các phòng ban để tăng cường tính linh hoạt và hiệu quả công việc.

Thứ tám, quản lý và vận hành phòng thí nghiệm: Thực hiện mua sắm vật tư, bảo dưỡng và hiệu chuẩn thiết bị đảm bảo tính chính xác cho các phép thử. Xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao tay nghề cho nhân viên phòng thí nghiệm. Tìm kiếm cơ hội mở rộng phạm vi thử nghiệm để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.

Thứ chín, cung cấp dịch vụ an toàn hóa chất: Với giải pháp này, Cục Hóa chất sẽ phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh tổ chức các hội thảo về hướng dẫn báo cáo định kỳ trên Hệ thống Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia và quy trình xử lý ứng phó sự cố hóa chất. Tăng cường giới thiệu và quảng bá dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực hóa chất, đặc biệt tại khu vực phía Nam.

Thứ mười, tiếp tục triển khai các đề tài nghiên cứu đã đăng ký như xây dựng quy định an toàn đối với sản xuất, tồn trữ, san chiết Hydro; phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành công nghiệp hóa chất; giải pháp giảm phát thải trong ngành dệt may. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng định mức dự toán công trình hóa chất. Xây dựng kế hoạch ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn quản lý và sản xuất trong ngành hóa chất…

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cuc-hoa-chat-bo-cong-thuong-16-nam-voi-nhung-dau-an-quan-trong-345617.html