Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường tổng kết công tác năm 2023

Ngày 26-12, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức cho biết: Trong năm 2023, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của các đơn vị liên quan, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và kiểm soát ô nhiễm môi trường nói riêng đã đạt được những kết quả nhất định.

Cụ thể, năm 2023, cục đã tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 Quyết định về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu; đang trình 2 Quyết định về Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành môi trường đến năm 2030…

 Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã được triển khai đồng bộ, có lộ trình phù hợp đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, tái chế liên tục tăng, tỷ lệ phải chôn lấp giảm. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý tại khu vực đô thị năm 2023 ước đạt khoảng 95%; tại khu vực nông thôn ước đạt 71%; trong đó tỷ lệ chôn lấp khoảng 64% (giảm 26% so với năm 2012). Tổng lượng chất thải nhựa được thu gom, tái chế khoảng 2,4 triệu tấn.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đánh giá cao những kết quả đạt được của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường trong năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng cho biết, với 9 lĩnh vực và 25 nhiệm vụ được giao, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường sẽ phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, do đó đề nghị toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của cục cần tiếp tục phát huy những phẩm chất vốn có; vai trò của người đứng đầu sẽ phải toàn diện hơn, tiếp tục phối hợp với các đơn vị của bộ cũng như các địa phương để thực hiện nhiệm vụ theo đúng với tên gọi “kiểm soát ô nhiễm môi trường”.

Bộ trưởng yêu cầu cục tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhân lực, có khen thưởng, xử phạt rõ ràng, đánh giá cán bộ bằng hiệu quả công việc, tạo điều kiện để các nguồn nhân lực chất lượng cao phát huy năng lực. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chuẩn bị được đầy đủ các điều kiện cần thiết cho các địa phương triển khai theo đúng yêu cầu Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Cục cần chú trọng hơn nữa công tác phổ biến pháp luật chính sách để người dân thay đổi ý thức bảo vệ môi trường. Theo đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, phối hợp với các địa phương bằng nhiều hình thức khác nhau. Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất, xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể, hiệu quả gắn với sản phẩm; tiếp tục đổi mới sáng tạo để có nhiều kết quả xuất sắc, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Tin, ảnh: QUANG DUY - KHƯƠNG TRUNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/cuc-kiem-soat-o-nhiem-moi-truong-tong-ket-cong-tac-nam-2023-758045