Cúc Phương hoang dã
Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) không chỉ nổi tiếng với những vụ cứu hộ các loài động vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ, mà còn là lớp học, điểm dừng chân để du khách chăm sóc, nhận 'con nuôi'...
Chuyện ở trung tâm cứu hộ đặc biệt
Vườn Quốc gia Cúc Phương có diện tích 25.000ha, thuộc địa bàn 3 tỉnh Ninh Bình - Hòa Bình - Thanh Hóa. Cúc Phương được mẹ thiên nhiên bền bỉ dệt nên thảm thực vật đa dạng phong phú qua 12 nghìn năm, là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ như voọc đen mông trắng, cầy vằn, rùa đá, tê tê cùng hơn 2.000 loài thực vật bậc cao, trong đó có những cây chò nghìn năm tuổi...Với những người yêu thiên nhiên, Cúc Phương là thiên đường.
Trong những ngày đầu đông, chúng tôi có dịp trở lại rừng Cúc Phương và có dịp gặp chị Nguyễn Thị Phương, người có trên 20 năm gắn bó, chăm sóc nhiều loài động vật quý hiếm được cứu hộ mang về đây.
Sau nhiều năm gắn bó với khu rừng này, chị Phương nhận ra rằng, việc con người săn bắn, tàn sát các loài động vật hoang dã là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái, phá vỡ, thậm chí tuyệt chủng một số loài.
Chị Phương dẫn chứng, thực tế trên các cánh đồng cỏ, chuột thường xuyên bị rắn, chó sói, cáo, chim ưng, cú mèo... săn bắt. Thông thường số lượng chim, trăn, thú, chuột cân bằng với nhau. Khi con người tìm bắt rắn, chim thì chuột mất kẻ thù, thế là chúng có cơ hội sinh sôi nảy nở...
Dẫn chúng tôi vào khu rừng già với tán lá chò xanh miên man, những gốc cây nghìn năm tuổi, chúng tôi nhận thấy những con vật đang đu vắt vẻo trên cành cây.
Đó là voọc mông trắng, voọc Hà Tĩnh, voọc đen tuyền, voọc Lào, voọc Cát Bà, voọc chà vá chân xám… Khi chuyển về đây các “con” sẽ được đổi tên theo tên vùng, miền, địa phương, nơi đón nhận, hoặc tên người đưa về, người “đỡ đầu”… Trung tâm có danh sách, hồ sơ, tên tuổi của tất cả các “con”. Tất cả các “con” được chăm sóc, ghi lại lịch trình chi tiết từng bữa ăn…và thường xuyên báo cáo tình hình sức khỏe với lãnh đạo trung tâm.
Chị Phương cất tiếng gọi: Eric, Toli, Hà, Hoàng, Phương…, chúng liền ào chạy đến bên chị, ríu rít như đàn con bên chân mẹ.
Chị Phương chia sẻ, để hiểu và có thể “tâm sự” được với các con, tôi phải học và phải hiểu được ngôn ngữ riêng của từng con. “Từ khi gắn bó với rừng đến nay đã hơn 20 năm, ngày nào mình cũng phải luyện giọng, sao cho có thể hiểu và “tâm sự” được với “con”. Nhận thấy “con” nào có dấu hiệu khác thường, hoặc bị ốm tôi sẽ tách ra để chăm sóc, thuốc men” - chị Phương nói.
Kể về duyên phận với các “con”, chị Phương cho biết, năm 1991, Trung tâm Động vật Frankfurt (Đức) cử ông Tilo Nadler tới Việt Nam. Tilo là thạc sĩ điện lạnh công tác tại Đài Truyền hình Đức, nhưng anh đã chọn và gắn bó với Tổ chức bảo vệ động vật Frankfurt.
Năm 1993, Tilo đi thăm chợ huyện Nho Quan (Ninh Bình) cùng cán bộ của vườn và vô tình phát hiện người dân bày bán 2 con voọc mông trắng bị thương. Ngay lập tức, Tilo liền mua về chăm sóc.
Thời điểm đó nhiều cán bộ kiểm lâm, kể cả cấp cao cũng không biết loài này thuộc diện đặc biệt quý hiếm, được bảo vệ trong Sách Đỏ thế giới. Hiện nay, trong danh sách các động vật được bảo vệ trong Sách Đỏ của Việt Nam và thế giới thì voọc mông trắng được liệt vào loại quý hiếm, đặc hữu.
Với sự tư vấn, hỗ trợ của Tilo, đến năm 1994, Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp được xây dựng tại Cúc Phương. Ban đầu chỉ là khu chuồng nuôi 2 cá thể voọc mông trắng do Tilo cứu về. Sau đó, anh bán cả cơ nghiệp của mình ở Đức để xây dựng Trung tâm cứu hộ linh trưởng Cúc Phương. Cũng chính vì thế người dân địa phương đặt tên cho Tilo với cái tên thân thiện: “Linh trưởng Chúa”.
Toli từng thốt lên: “30 năm gắn bó với đất nước các bạn, nhận thấy có gần 10 loài thú lớn bị xóa sổ hoàn toàn khỏi thiên nhiên hoang dã Việt Nam. Năm 2010, con tê giác cuối cùng bị bắn chết tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, khiến loài này bị tuyệt chủng ở Việt Nam. Mất cân bằng sinh thái luôn là một thảm họa.
Theo chị Phương, trong số 659 loài động vật có xương sống ở Cúc Phương, có những loài rất quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng cao như: Voọc mông trắng, báo gấm, sơn dương, cá niếc hang và sóc bụng đỏ đuôi hoe.
Giành “đồ nhậu” từ bợm nhậu
Sau cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Thị Phương, chúng tôi tìm gặp ông chủ của Vườn Quốc gia Cúc Phương - Giám đốc Nguyễn Văn Chính.
Trò chuyện với Tiền Phong, ông Chính cho biết:Từ năm 2010 đến nay, vườn đã tiếp nhận và cứu hộ được 16 loài với số lượng 209 cá thể, trong đó chủ yếu là cu li nhỏ 39 cá thể, cu li lớn 19 cá thể. Đáng nói là nhiều cá thể được giành lại khi chúng bị bán cho các quán nhậu.
Theo ông Chính, đến nay, Vườn đã cho sinh sản thành công 10 loài, số lượng 155 cá thể, trong đó chủ yếu là voọc Hà Tĩnh 19 cá thể, voọc chà vá chân xám 15 cá thể và cu li nhỏ 7 cá thể cùng các loài khác như voọc mông trắng, các loài vượn.
Điều đáng ghi nhận, cuối tháng 11/2019, Trung tâm tiếp nhận và cứu hộ thành công hai cá thể hổ (Pathera tigris) hơn 1 tuần tuổi bị những kẻ buôn bán động vật hoang dã bỏ rơi ở Hà Tĩnh. Sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện vườn nhận nuôi và bảo tồn.
Theo Giám đốc Nguyễn Văn Chính, đây là lần đầu tiên Vườn tiếp nhận và nhanh chóng thực hiện cứu hộ thành công hổ non. Bộ phận chuyên môn đã dành những điều kiện tốt nhất để chăm sóc, cứu hộ thành công hai cá thể này. Hổ là loài động vật nguy cấp quý hiếm không chỉ ở Việt Nam. Việc cứu hộ thành công hai cá thể hổ được kỳ vọng góp phần trong công tác phục hồi các quần thể hổ hoang dã ở Việt Nam trong tương lai.
Lớp học giữa rừng
Không chỉ là nơi bảo tồn và nghiên cứu khoa học, Vườn Quốc gia Cúc Phương luôn tổ chức những lớp học dành cho những người yêu thích thiên nhiên có thể quan sát các hoạt động, vẻ độc đáo của các loài linh trưởng, loài rùa và thu thập các kiến thức bổ ích về rừng tự nhiên.
Anh Nguyễn Mạnh Cường, cán bộ Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết, vườn đang phối hợp với Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) triển khai Khóa tập huấn kỹ năng nghiên cứu bảo tồn các loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam từ năm 2016 - 2020 với trên 50 học viên; tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng thực thi pháp luật cho cán bộ chi cục kiểm lâm, cảnh sát môi trường, công an kinh tế các tỉnh Quảng Nam, Ninh Bình, Phú Yên, Yên Bái, Thanh Hóa và TP Hà Nội.
Kết hợp với các trường tiểu học ở vùng đệm xây dựng chương trình “Trao bé hạt mầm” cho 916 học sinh tiểu học, 73 giáo viên tham quan và học tập chương trình.
Vườn cũng tiếp nhận 450 tình nguyện viên, chủ yếu là học sinh, sinh viên các nước như Úc, Mỹ, Ðức, Italia, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hồng Kông... đến trải nghiệm và học tập.
Mỗi khi khách đến với Vườn Cúc Phương, trung tâm lại tổ chức các lớp học ngắn về bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Những lớp học này đã gieo hạt giống tình yêu thiên nhiên trong mỗi người khi đến với Cúc Phương. Chính những lớp học, bài học từ nơi rừng xanh đã góp phần làm thay đổi nhận thức và lối ứng xử có trách nhiệm của mỗi người với thiên nhiên và môi trường sống của bản thân, cộng đồng xã hội.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi-phong-su/cuc-phuong-hoang-da-1784826.tpo