Cục QLXLVPHC&TDTH: Tiếp tục hoàn thiện thể chế về xử lý VPHC và theo dõi tình hình thi hành pháp luật
Sáng 10/1, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (QLXLVPHC&TDTHPL), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2024. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh và Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL Nguyễn Quốc Hoàn đồng chủ trì Hội nghị.
Chủ động, tích cực trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch công tác
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHP cho biết, trong năm 2023, Cục đã bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác và Kết luận, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong năm 2023, Cục đã xây dựng, hoàn thiện 04 văn bản, đề án; thẩm định 04 dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính; tổ chức 28 hội nghị, hội thảo, tọa đàm, kiểm tra, tập huấn về XLVPHC&TDTHPL…
Bên cạnh đó, Cục đã tham mưu, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 01/2023/TT-BTP ngày 16/1/2023 quy định chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tổ chức tổng kết 05 năm thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, giai đoạn 2018 - 2022”; hoạt động kiểm tra về công tác thi hành pháp luật được chú trọng thực hiện; công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và trả lời kiến nghị, hướng dẫn nghiệp vụ về XLVPHC&TDTHPL cho các Bộ, ngành, địa phương được chú trọng thực hiện, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ nâng cao điểm số và xếp hạng chỉ số B1 theo Chương trình hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Cục đã xây dựng Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ nâng cao điểm số, duy trì thứ hạng chỉ số B1 năm 2022 gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tuy nhiên, công tác XLVPHC&TDTHPL vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: phạm vi và lĩnh vực TDTHPL rất rộng, trong khi nội dung theo dõi thi hành pháp luật hiện nay chủ yếu mang tính định tính; thể chế về XLVPHC&TDTHPL mặc dù đã từng bước được hoàn thiện nhưng vẫn còn một số hạn chế, bất cập; cơ sở dữ liệu quốc gia về XLVPHC chậm được triển khai xây dựng…
Tiếp tục thực hiện các giải pháp triển khai Đề án "Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật"
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận nội dung Báo cáo kết quả công tác năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2024; dự thảo Kế hoạch công tác năm 2024 của Cục QLXLVPHC&TDTHPL và đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới.
Thay mặt Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh ghi nhận và đánh giá cao các kết quả Cục QLXLVPHC&TDTHPL trong năm qua; đồng thời nhấn mạnh năm 2024 và đến hết nhiệm kỳ là giai đoạn có ý nghĩa quan trọng để đẩy mạnh, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Kế hoạch của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025.
Vì vậy, trong năm 2024, Thứ trưởng đề nghị Cục QLXLVPHC&TDTHPL quán triệt, tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
Một là, tiếp tục rà soát, bảo đảm các nhiệm vụ của đơn vị bám sát nhiệm vụ trọng tâm và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2024 của ngành Tư pháp và Chương trình hành động của ngành Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ.
Hai là, chủ động, tích cực trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch công tác năm 2024 sau khi được Lãnh đạo Bộ phê duyệt theo đúng tiến độ, bảo đảm toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả.
Ba là, chủ động, kịp thời nhận diện chính xác những hạn chế, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện công tác của đơn vị và những khó khăn, vướng mắc của các Bộ, ngành, địa phương trên các mặt công tác do Cục tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý để tự mình hoặc đề xuất Lãnh đạo Bộ có biện pháp, giải pháp tháo gỡ, khắc phục kịp thời.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh Cục cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật; phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Cục Kế hoạch – Tài chính triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; nghiên cứu, đề xuất xây dựng các nhiệm vụ thực chất tại Đề án "Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật"; tăng cường kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực phụ trách; nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ;....