Cục Quản lý Thi hành án dân sự có 7 đơn vị chuyên môn và 34 cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, thành phố
Cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý Thi hành án dân sự được tổ chức lại theo hướng khoa học, tinh gọn và chuyên sâu hơn. Tại Trung ương, Cục gồm 7 đơn vị chuyên môn. Tại địa phương, hệ thống gồm 34 cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, thành phố, quản lý trực tiếp 355 Phòng thi hành án dân sự khu vực...

Ảnh minh họa.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã ký ban hành Quyết định số 1898/QĐ-BTP ngày 25/6 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý Thi hành án dân sự. Đây là bước cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, thể hiện quyết tâm đổi mới toàn diện phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thi hành án dân sự.
Theo quyết định mới, cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý Thi hành án dân sự được tổ chức lại theo hướng khoa học, tinh gọn và chuyên sâu hơn:
Tại Trung ương, Cục gồm 7 đơn vị chuyên môn: Ban Pháp chế và Nghiệp vụ thi hành án dân sự; Ban Nghiệp vụ thi hành án hành chính và Thừa phát lại; Ban Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Ban Chuyển đổi số và thống kê dữ liệu thi hành án; Ban Kế hoạch - Tài chính; Ban Tổ chức cán bộ; và Văn phòng.
Tại địa phương, hệ thống gồm 34 cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, thành phố, quản lý trực tiếp 355 Phòng thi hành án dân sự khu vực. Các cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh được trao đầy đủ tư cách pháp nhân, có con dấu quốc huy và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại.



Thông tin chi tiết 34 thi hành án dân sự tỉnh, thành phố. Ảnh chụp màn hình.
Theo Bộ Tư pháp, mô hình mới đã lược bỏ cấp trung gian (chi cục cấp huyện), đồng thời tăng quyền chủ động và trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh trong quản lý tổ chức, nhân sự và nghiệp vụ trên toàn địa bàn.
Mô hình mới phân tách rõ ràng chức năng quản lý hành chính và chuyên môn. Lãnh đạo Phòng thi hành án dân sự khu vực không còn thực hiện các nhiệm vụ quản lý tài chính, tài sản và ban hành quyết định thi hành án, nhờ đó có điều kiện tập trung chỉ đạo nghiệp vụ, giảm thiểu các sai sót do hạn chế trong năng lực quản lý trước đây.
Tổ chức bộ máy theo hướng mới cũng giúp rút ngắn quy trình nghiệp vụ, khi loại bỏ được cơ chế ủy thác giữa các khu vực trong cùng một tỉnh, qua đó nâng cao tốc độ và hiệu quả thi hành án. Cùng với đó, việc tập trung đầu mối quản lý tài chính, tài sản ở cấp tỉnh không chỉ tăng hiệu lực kiểm tra, giám sát mà còn là biện pháp hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong bối cảnh không còn chính quyền cấp huyện, mô hình mới tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh phối hợp trực tiếp, hiệu quả với các cơ quan cấp tỉnh trong công tác cưỡng chế, xác minh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Việc tập trung nguồn lực, biên chế và khối lượng công việc tại cấp tỉnh cũng từng bước nâng cao vị thế của cơ quan thi hành án dân sự, tiệm cận với vai trò, chức năng của các cơ quan ngang cấp Sở, góp phần tăng cường hiệu quả phối hợp liên ngành và thực thi pháp luật tại địa phương.
Theo công văn số 3769 kèm hướng dẫn, toàn bộ hồ sơ thi hành án (bao gồm cả hồ sơ đang thi hành án) sẽ chuyển về cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố.
Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố phân công các phòng thi hành án dân sự khu vực tổ chức thi hành các vụ việc sau: các vụ việc đang do các chi cục thi hành án dân sự trong khu vực trước khi sắp xếp tổ chức thi hành; các bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân khu vực; bản án, quyết địn phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực đó…
Sau sắp xếp, đương sự có thể gửi yêu cầu thi hành án tại cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố hoặc bất kỳ phòng thi hành án dân sự khu vực nào trong phạm vi địa bàn tỉnh, thành phố nơi tòa án đã xét xử sơ thẩm.
Cũng theo hướng dẫn, cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố đề nghị cơ quan công an cùng cấp xây dựng kế hoạch bảo vệ cưỡng chế theo quy định.
Trường hợp công an cấp tỉnh quy định phân công nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi cưỡng chế thi hành án dân sự cho công an cấp xã thì cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, thành phố thực hiện hoặc chỉ đạo, phân công phòng thi hành án dân sự khu vực thực hiện phối hợp với công an cấp xã.